Trong lần ra quân này, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh, về an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn, đóng gói mặt hàng đường của các tổ chức, cá nhân; kiểm tra việc chấp hành các quy định khác của pháp luật đối với hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh mặt hàng đường của các tổ chức, cá nhân.
Tăng cường kiểm tra
Mới đây, Đội QLTT số 2 thuộc Cục QLTT Bình Dương phối hợp với các lực lượng chức năng đã tiến hành khám kho hàng hóa tại địa chỉ tổ 1, khu phố Bình Quới B, phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, do bà Lưu Thị Tứ là chủ kho hàng.
Đoàn kiểm tra phát hiện 244,8 tấn đường cát các loại gồm 3.390 bao đường cát loại 50 kg/bao (169,5 tấn) và 900 bao đường tinh luyện (10,8 tấn) loại 12 kg/bao hiệu Thành Thành Phát do công ty TNHH MTV SX TM DV Thành Thành Phát sản xuất; cùng 1.290 bao đường cát (64,5 tấn) loại 50 kg/bao hiệu Prochuap do Thái Lan sản xuất.
Ngoài ra còn có 7.500 cái bao đựng đường hiệu Thành Thành Phát (loại 50 kg/bao); 2.200 cái bao đựng đường hiệu Prochuap của Thái Lan loại 50 kg/bao (đã qua sử dụng); 1.500 cái bao đựng đường hiệu Cambodia Whitesugar (đã qua sử dụng); 45 kg bao nylon đựng đường loại 50 kg (chưa qua sử dụng); 22 kg bao đựng đường loại 50 kg (đã qua sử dụng); 100 cuộn chỉ may miệng bao; 2 cái máy may miệng bao hiệu Chuangong GK- 9. Tổng giá trị hàng hoá vi phạm ước tính khoảng trên 2,6 tỷ đồng.
Cùng thời điểm, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh An Giang cũng tiến hành khám xét một xe ô tô tải chở 150 bao hàng hóa là đường cát trắng với tổng trọng lượng 7,5 tấn. Trên bao bì loại 50kg/bao thể hiện chi tiết hạng A1 White sugar do CTCP Mía đường Cần Thơ sản xuất tại Nhà máy đường Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang).
Kiểm tra chi tiết, lực lượng chức năng phát hiện hàng hoá trên xe có dấu hiệu sang bao, không có phiếu kiểm phẩm đính kèm sản phẩm. Tổng trị giá hàng hóa khoảng 82,5 triệu đồng.
Cả hai vụ việc nói trên đều chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp lô hàng, nên Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng để tiếp tục làm việc và củng cố hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
Đây đều là những cuộc kiểm tra nằm trong chiến dịch cao điểm kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh mặt hàng đường cát cuối năm 2019 do Tổng cục QLTT trực tiếp chỉ đạo.
Tăng cường quản lý thị trường để ngăn chặn đường lậu |
Không ngồi chờ cơ chế
Thực tế, tình trạng gian lận trắng trợn kéo dài trong suốt 2 năm vừa qua đã khiến 1/3 các nhà máy đường Việt Nam phải đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang vì thua lỗ, lo ngại về việc ngành mía đường Việt Nam đứng trước nguy cơ bị “xoá sổ” đã bắt đầu nhen nhóm.
Theo Tổng cục QLTT, tình trạng buôn lậu đường cát qua biên giới, nhất là tại một số tỉnh khu vực Tây Nam không những gia tăng mà còn diễn biến phức tạp với số lượng ngày càng nhiều.
Trước đây, các đối tượng buôn lậu sử dụng hình thức sang chiết đường lậu vào những bao nhỏ, vận chuyển vào ban đêm thì đến nay đã công khai chở đường lậu bằng xe tải lớn, khi đưa vào thị trường trong nước bán tại các cửa hàng vẫn còn nguyên bao, nhãn mác nước ngoài.
Nhiều trường hợp đường cát lậu sau khi tập kết được gỡ bỏ bao bì của nước sản xuất rồi sử dụng bao bì, nhãn mác hoặc in theo mẫu bao bì nhãn mác của nhà máy, công ty đường trong nước mang đi tiêu thụ.
Ngoài những khó khăn về đường nhập lậu, từ ngày 1/1/2020, Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) chính thức được áp dụng, tất cả hạn ngạch và thuế nhập khẩu đường dự kiến sẽ bị bãi bỏ hoàn toàn. Ngành mía đường sẽ có sân chơi chung là toàn khu vực Đông Nam Á, mía đường Việt Nam sẽ phải trực tiếp đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp mía đường nước khác.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho đến nay, ngành mía đường vẫn cơ bản là đóng cửa trong khi tất cả ngành khác, kể cả ngành nhạy cảm như chăn nuôi, rau quả, sắt thép… đều đã mở cửa. Do đó, việc thực thi cam kết ATIGA là hoàn toàn cần thiết và không thể trì hoãn.
Thủ tướng cho rằng để khắc phục những khó khăn của mía đường Việt Nam không chỉ trông chờ vào cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mà còn cần có sự nỗ lực từ các địa phương, doanh nghiệp và người dân, nhất là cần có sự đầu tư, chia sẻ lợi ích của doanh nghiệp với người nông dân.
Bên cạnh đó, các nhà máy, cơ sở chế biến đường cần phối hợp với Bộ NN&PTNT để có giải pháp phù hợp cơ cấu lại sản xuất, chế biến từ khâu nghiên cứu, canh tác, loại hình…; chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh.
Trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường QLTT, phối hợp với các địa phương của địa bàn trọng điểm để ngăn chặn tình trạng buôn lậu đường qua biên giới.
Vân Linh