Trong báo cáo chiến lược năm 2024, Công ty chứng khoán MBS dự báo ngành bán lẻ sẽ "tỏa sáng" trong năm 2024 với mức tăng trưởng lợi nhuận 129%. MBS kỳ vọng sức mua được kỳ vọng sẽ cải thiện kể từ quý III/2024 nhờ vào sự phục hồi của sản xuất cũng như môi trường lãi suất thấp sẽ kích thích tín dụng trở lại. Theo đó, ngành bán lẻ sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận khoảng 2 lần trong năm 2024 từ nền thấp 2023, song sẽ có sự phân hóa theo từng mảng khác nhau.
Tăng tốc mở rộng quy mô
Các doanh nghiệp lớn trong ngành bán lẻ như Masan, Aeon, Lotte Retail, Central Group đã có kế hoạch mở rộng hoạt động trong thời gian tới để chiếm lĩnh thị phần.
Ngay trong tháng 12/2023, WinCommerce đã tăng tốc cải tạo và mở mới tổng cộng 120 siêu thị, cửa hàng. Trong đó, nâng cấp 102 cửa hàng, mở mới 18 cửa hàng, với kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng và phục vụ khách hàng dịp mua sắm cuối năm. Trong đó nổi trội là sự kiện ra mắt 3 siêu thị WinMart Lê Văn Thiêm (Thanh Xuân, Hà Nội), WinMart Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội), WinMart Xuân Diệu (Hồ Tây, Hà Nội) tại những khu vực đắc địa, sầm uất tại Hà Nội.
Các chuyên gia kinh tế dự báo nửa cuối năm 2024, tăng trưởng của thị trường bán lẻ Việt Nam mới phục hồi hoàn toàn. |
Trong thông tin mới gửi tới báo chí, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Aeon cho biết đang lên kế hoạch tuyển dụng hàng nghìn nhân sự trong giai đoạn cuối năm 2023 và năm 2024.
Cụ thể, để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm và Tết Nguyên đán 2024, Aeon Việt Nam có kế hoạch tuyển dụng gần 1.500 nhân viên bán thời gian trên toàn quốc.
Đầu tuần này, tập đoàn này đã tổ chức Ngày hội tuyển dụng để tuyển dụng hơn 300 nhân sự cho nhiều vị trí nhằm chuẩn bị cho trung tâm mua sắm ở mới ở Nguyễn Văn Linh dự kiến khai trương tại TP Hồ Chí Minh vào quý II/2024.
Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng cho biết dự kiến sẽ tuyển dụng thêm hơn 1.000 nhân sự chuẩn bị cho kế hoạch khai trương các trung tâm và siêu thị mới trong năm 2024 tại Huế và Hà Nội.
Trong chiến lược dài hạn, lãnh đạo Aeon xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2, chỉ sau Nhật Bản, để đẩy mạnh đầu tư.
Trong khi đó, vào giữa tháng 11, một tập đoàn bán lẻ khác của Nhật là Uniqlo đã khai trương cửa hàng thứ 10 tại Hà Nội và cũng là cửa hàng thứ 22 của thương hiệu này ở Việt Nam. Vào Việt Nam 4 năm, Uniqlo mở rộng đều qua các năm và hiện có mặt tại 4 tỉnh thành, bao gồm TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương và một cửa hàng trực tuyến.
Trong báo cáo mới đây của CBRE Việt Nam chỉ ra, thị trường bán lẻ Việt Nam dần trở nên sôi động hơn từ quý III/2023 với nhiều dự án mở mới trên khắp cả nước. Đơn cử, Tập đoàn Lotte khai trương trung tâm thương mại (TTTM) Lotte Mall West Lake Hà Nội nằm tại quận Tây Hồ với diện tích cho thuê lên đến 72.000 m2 (chưa bao gồm diện tích hầm và thủy cung). Tính đến hiện tại, đây là một trong những dự án TTTM có quy mô lớn nhất tại Hà Nội. Trong khi đó, tại TP HCM, TTTM Hùng Vương Plaza đã trở lại với diện mạo mới sau thời gian đóng cửa sửa chữa và đổi chủ.
Cả hai TTTM này đều ghi nhận tỷ lệ lấp đầy gần như 100% với ngành hàng đa dạng và được người tiêu dùng đón nhận tích cực, theo CBRE.
Hay như đầu năm nay, tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan là Central Retail Corporation (CRC) công bố khoản đầu tư lớn nhất, trị giá 50 tỷ baht (1,45 tỷ USD) vào Việt Nam giai đoạn 2023 - 2027.
Theo Giám đốc điều hành Yol Phokasub, CRC coi Việt Nam là một thị trường tiềm năng cao và tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục. Với chỗ đứng vững chắc của CRC trong nước, công ty đã đặt ra lộ trình 5 năm để tiếp tục mở rộng, phân bổ 50 tỷ Bạt Thái Lan (THB) trong thời gian 5 năm.
Ông lớn bán lẻ Thái Lan đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng cửa hàng lên 600 trên 57 trong số 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam vào năm 2027, với tổng diện tích sàn dự kiến đạt 2 triệu m2.
Ngành bán lẻ phục hồi hoàn toàn vào nửa cuối năm 2024?
Theo nhận định của các chuyên gia, việc các "ông lớn" mở rộng quy mô xuất phát từ yếu tố kinh tế dần hồi phục, trong khi quý IV là mùa cao điểm mua sắm, kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành bán lẻ sẽ được cải thiện.
Trong báo cáo ngành bán lẻ của Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI) vừa được công bố, thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo tăng trưởng 12,05% trong giai đoạn 2023 - 2027, nhờ các yếu tố tích cực về dân cư, thu nhập, mức độ thâm nhập của Internet và các thiết bị thông minh. “Miếng bánh” bán lẻ được dự báo có giá trị lên tới 163,5 tỷ USD vào năm 2027, với những ngành hàng nổi bật là tiêu dùng, thiết bị điện tử, công nghệ và trang sức.
Hãng nghiên cứu Thị trường A.T.Kearney của Hoa Kỳ đánh giá quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã vượt con số 180 tỷ USD trong năm 2023 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định nhiều quyết sách được đưa ra để kích thích nền kinh tế, trong đó các doanh nghiệp bán lẻ và người tiêu dùng được hưởng lợi như: giảm lãi suất, giảm nhiều loại thuế, phí… Theo đó, áp lực từ chi phí lãi vay cao và tồn kho lớn so với năm trước được các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ lắng xuống nhờ các điều kiện kinh tế vĩ mô dần cải thiện.
Tổng Giám đốc Vietnam Report Vũ Đăng Vinh nhận định, lực đẩy từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là một trong những cơ sở quan trọng giúp cho doanh nghiệp củng cố nghị lực, vững vàng vượt qua thời điểm khó khăn, đưa tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ cải thiện tích cực hơn trong những tháng cuối năm 2023.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế dự báo nửa cuối năm 2024, tăng trưởng của thị trường bán lẻ mới phục hồi hoàn toàn. Theo ông Vũ Đăng Vinh, xét về trung và dài hạn, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là một thị trường có sức hấp dẫn lớn và nhiều tiềm năng phát triển. Quy mô thị trường được dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD trong vài năm tới.
Thanh Hoa