Số liệu thống kê cho thấy tổng giá trị XK cá tra trong 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt gần 1 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng thị trường Trung Quốc được cho là đóng góp lớn vào kết quả khả quan này khi chiếm khoảng 1/4 tổng kim ngạch XK và tăng khoảng 48% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều đối thủ "thèm muốn"
Sản lượng nuôi cá tra trong 6 tháng đầu năm ước đạt 643.600 tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thị trường cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long được cho là liên tục nóng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc công ty CP Thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp), cho biết điều may mắn ở thị trường Trung Quốc là cho đến bây giờ vẫn chưa có loại cá nào có thể dùng thay thế cá tra dù họ là quốc gia sản xuất cá rô phi lớn nhất thế giới.
"Cá tra và cá rô phi có giá ngang nhau, nhưng tập quán người Trung Quốc có ấn tượng rất xấu về cá rô phi, nên họ không dùng loại cá này. Chính vì vậy mà sản lượng cá tra của Việt Nam bán vào Trung Quốc vẫn không đủ nhu cầu, nên XK cá tra sang thị trường này trong những tháng đầu năm 2018 đẩy giá cao kỷ lục", ông Văn chia sẻ.
Chưa kể, từ đầu tháng 7/2018, Trung Quốc chính thức giảm thuế nhập khẩu từ 2% đến 10% cho 221 sản phẩm thủy sản từ các quốc gia thành viên của WTO (trong đó có Việt Nam).
Đáng chú ý, thuế nhập khẩu philê cá tra đông lạnh sẽ giảm từ 10% xuống còn 7% và thuế suất cá tra tươi hoặc ướp lạnh sẽ giảm từ 12% xuống 7%. Động thái này sẽ tạo cơ hội cho DN Việt Nam XK cá tra vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, chính sản lượng và giá trị XK cá tra Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc như hiện nay đang khiến cho nhiều quốc gia châu Á "thèm muốn" và họ đang tìm mọi cách nâng chất lượng cá tra để cạnh tranh với Việt Nam.
Đó là điều mà nhiều DN XK quan ngại khi thị trường nhập khẩu cá tra Trung Quốc đang dần trở nên cạnh tranh hơn, đặt nặng vấn đề chất lượng hơn, cũng như các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm cũng dần khắt khe hơn như Mỹ hay EU.
Vasep vào ngày 11/7 đã khuyến cáo các DN kiểm soát tốt nhất chất lượng cá tra xuất sang Trung Quốc, chủ động tuân thủ chặt chẽ về việc truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và sử dụng Chứng thư thủy sản XK theo quy định. Việc này nhằm giúp các DN giảm thiểu tác động bất lợi đến hoạt động XK cá tra sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.
Cá tra xuất khẩu của Việt Nam đang vướng nhiều rào cản thương mại |
Vướng rào cản thương mại
Phía Vasep còn gửi một số công văn báo cáo tình hình XK cá tra sang thị trường này đến Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương để đề nghị siết chặt hơn nữa hoạt động kiểm soát chất lượng mặt hàng cá tra.
Giám đốc một công ty chế biến cá tra XK ở tỉnh An Giang cho biết các DN chế biến cá tra ở Việt Nam hiện nay đa phần vẫn là bán thủ công. Do đó, để cạnh tranh, các DN chế biến cần phải tìm cách tự động hóa nhà máy sản xuất càng cao càng hạ giá thành và kiểm soát tốt được chất lượng cá tra XK, đảm bảo an toàn thực phẩm như yêu cầu đặt ra từ thị trường nhập khẩu.
Theo nhận định của giới chuyên gia, đi cùng với sự phát triển đột biến trong thời gian ngắn ở thị trường Trung Quốc, XK cá tra của Việt Nam vẫn đang ẩn chứa nhiều rủi ro.
Hội nghị toàn thể hội viên 2018 của Vasep hồi tháng 6 vừa qua đã nêu rõ khá nhiều rào cản hiện nay mà XK cá tra phải đối mặt. Chẳng hạn với thị trường Mỹ, thuế chống bán phá giá giai đoạn POR13 cùng với chương trình thanh tra cá da trơn đối với sản phẩm cá tra Việt Nam bắt đầu được thực thi hoàn toàn kể từ ngày 1/9/2017 cũng là thách thức rất lớn cho các DN hiện nay khi muốn tiếp tục XK vào thị trường này.
Với thị trường EU, tình trạng thông tin sai lệch về nuôi cá tra cộng với sự gia tăng bảo hộ các loại cá thịt trắng tại EU là những nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm XK cá tra tại thị trường này. Mặt khác, do đồng Euro sụt giảm so với đồng USD nên giá cá tra tương đối cao so với mặt bằng cá thịt trắng khác.
Mức thuế chống bán phá giá với cá tra khá cao đã gây nhiều khó khăn cho các DN trong việc thúc đẩy XK vào Mỹ và đến nay chỉ còn ba DN XK cá tra ở thị trường này.
Để vượt rào cản thương mại ở Mỹ, Vasep cho rằng thời gian tới, cần tiếp tục hỗ trợ các DN tham gia vụ kiện để có thể thay đổi mức thuế theo hướng tích cực trong đợt POR14, đồng thời tiếp tục theo đuổi việc khiếu nại kết quả POR13 lên Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ (CIT).
Thế Vinh