Nghề nuôi cá tầm trong nước đang gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh khốc liệt với cá nhập lậu. |
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, số lượng cá tầm Trung Quốc nhập về qua 2 cửa khẩu quốc tế là Hữu Nghị (Lạng Sơn) và Kim Thành (Lào Cai) đã đạt con số 812 tấn. Trong đó, riêng Hữu Nghị là 687 tấn.
Ồ ạt nhập lậu
Tại Việt Nam nghề nuôi cá tầm phát triển mạnh tại các địa phương như Lâm Đồng, Lào Cai, Hòa Bình... Tuy nhiên, trong thời gian qua, cá tầm Trung Quốc nhập chính ngạch và nhập lậu ồ ạt, bán với giá thấp khiến người nuôi cá tầm trong nước điêu đứng.
Tại thị xã Sa Pa (Lào Cai), với 240 trang trại, cơ sở và hộ nuôi, ước tính mỗi năm cung cấp ra thị trường ít nhất 500 tấn cá. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp, cơ sở, người dân nuôi cá tầm đang lo lắng khi gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ cá tầm Trung Quốc.
Ông Đỗ Tiến Thắng, phó chủ tịch Hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai, cho biết hội này cũng đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan về việc đề nghị tăng cường các biện pháp quản lý nhập khẩu cá tầm sống làm thực phẩm để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản nước lạnh tại địa phương.
"Giá cá tầm Trung Quốc trên thị trường tới người tiêu dùng chỉ 140.000 - 160.000 đồng/kg, trong lúc đó cá tầm nuôi tại Việt Nam giá xuất từ trang trại đã 150.000 - 170.000 đồng/kg và người tiêu dùng phải trả 200.000 - 240.000 đồng/kg. Cá tầm Trung Quốc có chất lượng thấp, giá chỉ bằng 60 - 70% cá tầm nuôi tại Việt Nam là một thách thức lớn, cạnh tranh khốc liệt đối với cá tầm nuôi tại Việt Nam", ông Thắng cảnh báo.
Đáng lưu ý, tình trạng cá tầm nhập lậu ngày càng gia tăng bất chấp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan rốt ráo siết chặt lại việc nhập khẩu cá tầm Trung Quốc.
Thông tin từ Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, ngày 17/3, cơ quan này phát hiện công ty TNHH Đầu tư & XNK An Hưng đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Lạng Sơn nhập khẩu 12 tấn cá tầm Xiberi từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, qua giám định chủng loại, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã kết luận hàng hóa thực tế nhập khẩu của doanh nghiệp không đúng chủng loại với khai hải quan và Giấy phép nhập khẩu do Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam cấp (tên là Cá tầm Xiberi, tên khoa học: Acipenser baerii).
Tương tự, ngày 19/3/2021, Công ty TNHH Nông Lâm Thủy sản Đức Vui đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Lào Cai nhập khẩu 9,2 tấn cá tầm Xiberi, có xuất xứ Trung Quốc. Giám định của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I cũng xác định những mẫu cá được kiểm tra ở trên không phải là cá tầm Xiberi mà có thể là con cá lai giữa các loài cá tầm với nhau.
Cách phân biệt cá tầm Trung Quốc
Theo các chuyên gia, cá tầm nhập lậu có giá rẻ hơn cá tầm trong nước, đi kèm với đó là chất lượng kém hơn. Tuy nhiên, hầu hết thương lái và tiểu thương bán hàng thường mập mờ trong khâu tiếp thị do khách hàng khó phân biệt được đâu là cá tầm Trung Quốc và cá tầm trong nước.
“Khi vào Việt Nam thì có sự mập mờ về nguồn gốc do thương lái trộn lẫn cá tầm TQ vào cá tầm Việt Nam dẫn đến người tiêu dùng không phân biệt được đâu là cá tầm Trung Quốc đâu là cá tầm Việt Nam, tạo hiện tượng lừa dối khách hàng và sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường”, ông Thắng cho hay.
Thậm chí, nhiều người bán khi được hỏi, thậm chí còn không phân biệt nổi đâu là cá tầm Trung Quốc, đâu là cá tầm trong nước.
Ông Lê Anh Đức, Chủ tịch Tập đoàn Cá tầm Việt Nam chia sẻ, nếu đều là nuôi giống cá tầm lai, thì không thể phân biệt được đâu là cá tầm nuôi tại Trung Quốc và đâu là cá tầm nuôi tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trong khi cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc chủ yếu là giống cá tầm lai do giống cá này có giá rẻ, khỏe và lớn nhanh, còn cá tầm nuôi tại Việt Nam chủ yếu là giống cá tầm Osetra của Nga. Cá tầm giống Nga có màu vàng óng đặc trưng ở phía bụng dưới, mũi dài nhưng hình tròn tù, không nhọn. Mình cá nhiều vây dạng gai, trải dài cả xương sống và hai bên hông cá.
Cá tầm Trung Quốc hay cá tầm lai mình dài, thon, gai lưng không nhọn và nổi bật như cá tầm Nga. Mũi cá dài, nhọn với phần bụng màu đen, xám nhạt và trắng, hơi giống cá trê.
Một đặc điểm nhận dạng khác là khi quan sát bên ngoài, cá tầm Trung Quốc do quãng thời gian vận chuyển rất dài nên mình cá xây xước nhiều, bụng có những vệt máu đỏ, trong khi cá tầm Việt Nam không có đặc điểm đó.
Trước thực trạng trên, gần đây các cơ quan quản lý đã tăng cường các biện pháp quản lý nhập khẩu cá tầm sống làm thực phẩm. Mới đây, Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm về Việt Nam để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và thuộc danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam.
Hoàng Hà