Việc siết nhập khẩu cá tầm "lậu" cũng là cách bảo vệ các hộ nông dân nuôi cá tầm trong nước. |
Trước đó, Bộ NN&PTNT phát hiện nhiều loại cá tầm được kinh doanh tại chợ đầu mối Yên Sở (TP Hà Nội) và Bình Điền (TP.HCM) không được phép kinh doanh.
Kết quả kiểm tra có 8/11 mẫu cá tầm thương phẩm được xác định hình thái không phù hợp với loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam theo quy định tại nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, gồm: cá tầm Beluga (Huso huso), cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii), cá tầm Sterlet (Acipenser ruthenus), cá tầm Xibêri (Acipenser sinensis) và cá tầm Trung Hoa (Acipenser sinensis).
Theo Bộ NN&PTNT, cá tầm thuộc phụ lục II Công ước quốc tế về buôn bán động vật, thực vật hoang dã nguy cấp được cơ quan CITES Việt Nam và các cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc.
Bên cạnh đó, hiện nay có một số loài cá tầm nhập khẩu dùng làm thực phẩm lưu thông trên thị trường chưa rõ nguồn gốc, không thực hiện kiểm dịch có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, môi trường và sản xuất cá tầm tại Việt Nam.
Sau khi có ý kiến từ Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan ra văn bản yêu cầu siết chặt nhập khẩu cá tầm; đồng thời hướng dẫn 3 trường hợp cấm nhập khẩu cá tầm gồm: cá tầm nhập khẩu không nhằm mục đích phục vụ sản xuất, chế biến làm thực phẩm theo Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã; Cá tầm Đại Tây dương, cá tầm Ban tích thuộc Phụ lục I Công ước CITES nhập khẩu vì mục đích thương mại theo quy định tại Nghị định số 06/2014/NĐ-CP và không phục vụ sản xuất, chế biến làm thực phẩm theo Chỉ thị số 29/CT-TTg; Cá tầm không thuộc danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam ban hành kèm Nghị định số 26/2019/NĐ-CP.
Hoàng Hà