Để tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai) đã liên kết với 10.000 hộ dân xây dựng vùng nguyên liệu 10.000 ha cà phê, với sản lượng khoảng 30.000 tấn.
Vẫn chủ yếu xuất thô
Đặc biệt, doanh nghiệp này đã chủ động đầu tư canh tác 45 ha cà phê chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ và lắp đặt dây chuyền cà phê chất lượng cao của Đức, tạo ra dòng sản phẩm thương hiệu cà phê L'amant nhằm đẩy mạnh xuất khẩu (XK) cà phê chế biến.
Đẩy mạnh chế biến sâu để nâng cao giá trị cho ngành cà phê Việt Nam. |
Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vĩnh Hiệp, chia sẻ việc đầu tư vào khâu chế biến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ sẽ là điều kiện để cà phê của Việt Nam đi xa hơn, chinh phục người tiêu dùng "khó tính" nhất trên thế giới.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, EU hiện là thị trường lớn thứ hai của cà phê của Việt Nam, chiếm trên 42% lượng cà phê XK của Việt Nam. Mặc dù đại dịch COVID-19 đang gây khó khăn cho nền kinh tế, nhưng bánh mì, sữa, cà phê... vẫn là những mặt hàng có mức tiêu thụ cao tại EU.
Với những cơ hội từ Hiệp định EVFTA, mặt hàng cà phê Việt Nam có thể gia tăng giá trị vào thị trường EU trong thời gian tới do cà phê Việt Nam được hưởng thuế suất bằng 0%. Mặt khác, trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ khi EVFTA chính thức đi vào thực thi có cà phê Buôn Ma Thuột. Đây là một lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam với các đối thủ tại thị trường EU.
TS. Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Bộ môn Thị trường Ngành hàng (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn), nhìn nhận nhiều doanh nghiệp trong nước đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất cà phê chế biến. Tuy nhiên, cơ cấu giá trị XK mặt hàng này sang các nước EU dù đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ. Việt Nam vẫn chủ yếu XK cà phê chưa rang, chưa khử caffein.
Số liệu của Vicofa cũng cho thấy, dù lượng cà phê Việt Nam XK sang EU khá lớn, chiếm trên 8,5% tổng lượng cà phê nhập khẩu của thị trường này, song tỷ lệ cà phê chế biến còn thấp, chỉ 5 - 7% lượng cà phê XK, sản phẩm chủ yếu là xuất thô.
Nhiều gợi ý cho doanh nghiệp Việt
Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), các doanh nghiệp cà phê cần đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu hàng hóa, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đồng thời tuân thủ việc kiểm tra nhà máy và giám sát chế biến.
Khẳng định thị trường EU đang có nhiều cơ hội cho cà phê Việt Nam nhưng các chuyên gia cho rằng, điều cốt yếu là doanh nghiệp phải có năng lực tài chính, sự kiên trì và động lực để xây dựng thương hiệu.
TS. Nguyễn Trung Kiên nhận định, việc nâng cấp trong chuỗi giá trị để tạo nhiều giá trị gia tăng hơn là cần thiết. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có chiến lược và năng lực để nâng cấp, vẫn có những doanh nghiệp hài lòng với chiến lược XK cà phê nhân như hiện tại.
EU là một thị trường hấp dẫn, chiếm khoảng 30% tiêu dùng cà phê toàn cầu. Thị trường cà phê đặc sản tại EU đang tăng trưởng mạnh và mang lại cơ hội cho các nhà cung cấp loại cà phê chất lượng cao. Điều đó cho thấy, phân khúc cà phê đặc sản là thị trường ngách nhưng yêu cầu chất lượng cao, giá trị cao. Các nhà cung cấp nhỏ hơn đang tìm thấy cơ hội ngày càng lớn trên thị trường cà phê đặc sản. Tại phân khúc này, các nhà cung cấp cạnh tranh nhau về chất lượng và các mối quan hệ đối tác dài hạn, hơn là về giá. Đây cũng sẽ là những gợi ý cho doanh nghiệp Việt Nam.
Đồng thời, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vicofa cũng cho rằng, để cà phê Việt Nam nâng cao được giá trị cần phải xây dựng thương hiệu mang tính toàn cầu. Vì sản phẩm tốt, có uy tín còn cần phải có thương hiệu toàn cầu xứng tầm, phải quảng bá ra thế giới.
Để làm được điều đó phải có những doanh nghiệp, doanh nhân đủ tầm, đủ lực để thực hiện mô hình chuẩn. Đặc biệt, cần có sự quan tâm từ Chính phủ trong công tác xúc tiến thương mại, quảng bá để thương hiệu của Việt Nam có điều kiện đi xa, định hình giá trị cho bản thân ngành hàng và cho cả quốc gia.
Thy Lê