Sáng 30/5, Hà Nội chính thức khai trương tuyến buýt mui trần Hanoi City tour. Đây là tuyến xe phục vụ du lịch hai tầng đầu tiên tại Hà Nội.
Tại lễ khai trương, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội, cho biết buýt mui trần hai tầng đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu phát triển giao thông công cộng tại Hà Nội.
Kỳ vọng của Hà Nội
Lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2017 đạt gần 24 triệu lượt, tăng 9% so với năm 2016. Theo ước tính của Sở Du lịch, 6 tháng đầu năm 2018, lượng khách đến Thủ đô tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 26% so với năm 2017.
Với tiềm năng du lịch rất lớn, Hà Nội giao Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) triển khai phát triển hệ thống Hanoi City tour. Đây là tuyến buýt được thiết kế hiện đại, giới thiệu các địa điểm tham quan của thành phố.
"Tôi tin tưởng đây là tuyến buýt thuận tiện cho cả người dân và khách du lịch tham quan thành phố, góp phần quảng bá du lịch Hà Nội ra thế giới", ông Hùng nói.
Phó Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Transerco phối hợp với Sở Du lịch và các cơ quan khác tuyên truyền về tuyến xe, liên tục cải thiện chất lượng để phục vụ hành khách.
Nói rõ hơn về quy trình vận hành, ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng Giám đốc Transerco, cho hay: tuyến buýt sử dụng loại xe cao cấp, hở mui, cho phép du khách thoải mái ngắm nhìn những cảnh quan của thành phố từ trên cao. Xe có sức chứa 80 người, trang bị hệ thống định vị toàn cầu GPS._
Ngoài ra, trên xe có Wifi miễn phí, cổng sạc USB, tủ lạnh, hệ thống camera giám sát cảnh báo an toàn cho hành khách. Điểm nhấn của tuyến buýt là hệ thống thuyết minh các điểm du lịch Hà Nội bằng năm thứ tiếng Việt, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Những tư liệu này giúp du khách nước ngoài hiểu hơn về văn hóa, con người, lịch sử Thủ đô Hà Nội.
Ông Nhật cho biết có ba xe buýt với tần suất tour đều đặn 30 phút/chuyến từ 9h đến 17h hàng ngày. Tuyến buýt hai tầng có lộ trình đi qua 25 tuyến phố với 13 điểm dừng. Hành khách sẽ được tham quan 30 điểm du lịch tại Hà Nội, có thể bắt xe ở bất cứ điểm nào tại 13 điểm dừng.
Với tuyến buýt mui trần, hành khách có thể mua vé trực tiếp khi lên xe. Giá vé 4 tiếng là 300.000 đồng, 24 tiếng là 450.000 đồng, 48 tiếng là 650.000 đồng.
Phó Chủ tịch Hà Nội tin tưởng đây là tuyến buýt thuận tiện cho cả người dân và khách du lịch tham quan thành phố, nhưng trong những ngày đầu ra mắt, buýt mui trần chưa thu hút được người dân.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong buổi sáng 31/5, nhiều chuyến buýt mui trần xuất bến nhưng ít, hoặc có thể nói là không có khách. Lựa chọn buýt mui trần chủ yếu là du khách nước ngoài.
Tại điểm bán vé, khách mua thưa thớt, tại quầy chủ yếu chỉ có nhân viên bán vé và lái xe. Còn tại các điểm dừng, gần như không có khách nào.
Giá vé 4 tiếng là 300.000 đồng, 24 tiếng là 450.000 đồng, 48 tiếng là 650.000 đồng. |
Người dân không mặn mà
Nhiều người dân cho biết với mức giá vé lên tới hàng trăm nghìn cho một chuyến xe là quá đắt đỏ. Ông Vũ Trung Khánh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Dịch vụ này của nước mình không hề thua kém nước ngoài, thậm chí tốt hơn. Việc dịch nhiều ngôn ngữ giới thiệu nhiều cảnh_ đẹp, địa điểm nổi tiếng là một hình thức phát triển văn hóa tốt. Nhưng mức giá này chỉ phù hợp với du khách, chứ đối tượng như sinh viên và người lao động sẽ khó tiếp cận"._
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Kim Chi (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "So với nước ngoài thì giá dịch vụ buýt hai tầng ở Việt Nam chỉ ngang bằng hoặc thấp hơn. Tuy nhiên, so với mặt bằng thu nhập chung, dịch vụ này đã_vượt quá túi tiền của nhiều người".
Giải thích việc giá vé cao ngất ngưởng như vậy, một đại diện Transerco lý giải đây là buýt phục vụ du lịch, không phải buýt thường nên không được trợ giá. Transerco đã phối hợp với ngành du lịch khảo sát từ hệ thống city tour trên thế giới, để đưa ra mức giá vé.
Thực tế, việc giá vé cao cũng là điều dễ hiểu, khi giá vé đang không chỉ bù cho tiền xăng dầu tiêu hao mỗi chuyến xe, mà còn để bù giá cho các xe này với giá trị mỗi chiếc lên tới 6 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Phi Thường, Chủ tịch HĐQT Transerco, cho biết giá xe ở mức cao như vậy là do các linh kiện hầu hết đều nhập từ nước ngoài về Việt Nam lắp ráp. Thaco Trường Hải, một cái tên quen thuộc đối với các dự án xe buýt của Hà Nội chính là đơn vị lắp ráp.
Theo thông tin của Trường Hải, đây là mẫu xe được đóng với động cơ diesel đến từ nhà cung cấp Hino (Nhật Bản), hộp số tự động được nhập khẩu từ nhà sản xuất của Đức là ZF Friedrichshafen AG… Xe có tỷ lệ nội địa hóa khoảng 30%, bao gồm các hạng mục ghế ngồi, hệ thống dây điện, thiết bị nội thất…
Tuy nhiên, linh kiện nhập khẩu dù đắt tới đâu đi chăng nữa, với mức giá lên tới 6 tỷ đồng/xe này, người dân Hà Nội có quyền nghi ngờ về giá trị chính xác của chiếc xe.
Trước đó, tại dự án buýt nhanh BRT, các xe buýt trong tuyến này cũng được định giá lên tới trên 5,5 tỷ đồng/xe, trong khi thực chất giá mỗi chiếc xe này đều trên dưới 3 tỷ đồng.
Giá xe cao kéo theo giá vé cao, dẫn đến tình trạng ít khách sử dụng. Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Transerco Nguyễn Phi Thường nhận định: "Hy vọng việc kinh doanh vận chuyển hành khách bằng buýt hai tầng sẽ có lãi".
Hồng Nhung