Ảnh minh họa |
Theo BNEF, doanh số xe điện (EV) sẽ đạt 1,6 triệu chiếc vào năm 2018, tăng mạnh so với con số vài trăm ngàn trong năm 2014. Sự tăng tốc này có thể là nhờ vào một vài yếu tố.
Thứ nhất, chi phí pin đã giảm 79% kể từ năm 2010, giảm mạnh từ mức trên 1.000 USD/kWh xuống còn 209 USD/kWh vào cuối năm 2017. Mật độ năng lượng cũng tăng từ 5% - 7% mỗi năm. Chi phí có thể giảm xuống còn 70 USD/kWh vào năm 2030.
Thứ hai, các chính phủ tiếp tục hỗ trợ xe điện với nhiều hình thức trợ cấp hoặc trợ giúp chính sách khác nhau.
Còn lý do thứ ba thì có thể gói gọn trong một từ: Trung Quốc. Khoảng 21% doanh số xe điện năm 2017 chỉ diễn ra ở 6 thành phố của Trung Quốc. Trung Quốc đang cung cấp một loạt chính sách “củ cà rốt” nhưng đồng thời cũng kèm theo “cây gậy”, bao gồm cả những hạn chế đối với việc mua và sử dụng xe chạy bằng xăng hoặc dầu diesel. Đến năm 2025, Trung Quốc sẽ chiếm khoảng phân nửa trong toàn bộ thị trường xe điện toàn cầu.
Một lý do khác là sự “sinh sôi nảy nở” của các mẫu xe điện mới từ nhiều nhà xe hơi. Số lượng các mẫu xe điện được kỳ vọng sẽ tăng gần gấp đôi, từ 155 mẫu vào cuối năm 2017 lên tới 289 mẫu vào năm 2022.
Rõ ràng mọi chuyện không phải đều màu hồng cho ngành công nghiệp xe điện. Xe điện hiện vẫn chỉ chưa tới 2% thị trường xe hơi ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Ngoài ra, vẫn còn thiếu cơ sở hạ tầng sạc pin ở hầu hết thị trường.
Trong khi đó, các thành phần chính được sử dụng trong pin lithium-ion, chẳng hạn như coban, đã phải chịu chi phí tăng vọt khi nhu cầu tăng lên. Nếu không có đầu tư đáng kể vào công suất coban mới thì có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt trong vài năm tới. "Nếu công suất không tăng theo kế hoạch, giá coban có thể tiếp tục tăng đột biến và có thể có sự thiếu hụt coban lớn. Điều này sẽ có tác động nghiêm trọng đến thị trường xe điện", các nhà phân tích của BNEF cho biết.
Giá coban đã tăng gấp 3 lần trong 2 năm qua, và với nguồn cung đang bị tụt lại so với nhu cầu, giá có thể tiếp tục tăng. Vấn đề này thậm chí còn đáng lo ngại hơn vì các mỏ mới có thời gian chờ (thời gian từ lúc bắt đầu đến lúc hoàn thành một quá trình sản xuất mới) dài.
Tuy nhiên, dự báo của BNEF là lạc quan cho xe điện. Doanh số được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng tốc, đạt 11 triệu chiếc vào năm 2025 và 30 triệu chiếc vào năm 2030. Đến năm 2040, doanh thu xe điện sẽ đạt 60 triệu chiếc, tương đương 55% thị trường toàn cầu cho các loại xe hạng nhẹ. Tổng cộng, khoảng 559 triệu xe điện sẽ có mặt trên đường vào năm 2040, hoặc khoảng 1/3 lượng xe toàn cầu.
Trên cơ sở không được trợ cấp, xe điện sẽ có chi phí tương đương các loại xe chạy bằng xăng và diesel vào khoảng năm 2024, khiến doanh số 2 loại xe truyền thống này giảm dần sau thời điểm đó "khi xe điện lấn mạnh vào thị trường", BNEF cho biết.
Nhiều dự báo của BNEF tương tự như báo cáo năm ngoái, mặc dù một số dự báo ngắn hạn dường như lạc quan hơn. Tuy nhiên, một trong những dự báo gây bất ngờ hơn cả là dành cho xe buýt điện. "Sự tiến bộ của xe buýt điện thậm chí sẽ còn nhanh hơn so với xe điện", BNEF kết luận.
Xe buýt điện sẽ đạt mức đồng giá về chi phí so với xe buýt đô thị thông thường ngay sau năm tới, BNEF cho biết. Và trong khi xe điện sẽ chiếm 28% thị trường vào cuối những năm 2020, các xe buýt điện sẽ "thống trị" phân khúc của nó, chiếm 84% thị trường xe buýt tính theo cùng thời điểm. "Trung Quốc đã dẫn đầu thị trường này một cách ngoạn mục khi chiếm 99% trong tổng thị trường thế giới vào năm ngoái. Phần còn lại của thế giới sẽ đi theo, và đến năm 2040, chúng tôi kỳ vọng rằng 80% lượng xe buýt đô thị trên toàn cầu sẽ chạy bằng điện", Colin McKerracher, chuyên gia phân tích trưởng về giao thông vận tải cao cấp cho BNEF, cho biết trong một tuyên bố.
Vậy, kết quả cuối cùng dành cho dầu thô là gì? Sự xâm nhập của xe điện vào thị trường xe tải hạng nhẹ sẽ “xóa sổ” nhu cầu 7,3 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2040.
VT