Ở góc độ của một hợp tác xã (HTX) chuyên về trồng bưởi, ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc HTX bưởi da xanh Giồng Trôm ở xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm (Bến Tre), cho biết điều mong mỏi là được đưa trái bưởi sạch xuất khẩu (XK) vào những thị trường khó tính như Mỹ, EU…
Xây dựng mã số vùng trồng
Để làm được điều này, theo ông Bảy, phía HTX phải tự xác định là cần phải đạt các tiêu chuẩn về VietGAP, LocalGAP, GlobalGap, xây dựng mã số vùng trồng...
Đây cũng là mong mỏi chung của các doanh nghiệp (DN) và HTX muốn đưa trái bưởi vươn xa. Ở tỉnh Bến Tre, hiện nay đã có 5 mã vùng sản xuất bưởi da xanh XK sang thị trường EU, với diện tích 69,2 ha.
Nhiều HTX mong được đưa quả bưởi da xanh XK vào những thị trường khó tính như Mỹ, EU. |
Trong tháng 5/2022 này, UBND tỉnh Bến Tre đã có văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý mã số vùng trồng (trong đó có trái bưởi da xanh) trên địa bàn tỉnh đi vào thực chất và hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu XK vào những thị trường khó tính.
Đây là địa phương có diện tích vườn bưởi da xanh lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long với gần 10.000 ha, chiếm 34% diện tích cây ăn trái toàn tỉnh.
Để có giá trị cao phục vụ nhu cầu XK vào thị trường EU, nhiều nhà vườn ở tỉnh này đã nhân rộng mô hình trồng bưởi hữu cơ đạt các tiêu chuẩn: VietGAP, GlobalGAP; xây dựng mã số vùng trồng và liên kết với các DN đầu vào, đầu ra…
Còn ở tỉnh Sóc Trăng, để nhắm vào những thị trường khó tính và tránh bấp bênh khi trái bưởi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đến nay đã xây dựng được 13 vùng trồng bưởi da xanh và bưởi năm roi. Điều này đã giúp đáp ứng được các tiêu chuẩn gắt gao của nhiều thị trường, từ đó kỳ vọng tìm được cơ hội XK rộng mở hơn.
Với diện tích trồng bưởi tại tỉnh này là 2.104 ha, cho sản lượng trung bình hàng năm trên 20.000 tấn, nhiều nông hộ đang rất tự tin để XK vào những thị trường khó tính. Nhất là khi họ đã biết liên kết cùng nhau thông qua các HTX và DN, đồng nhất cùng một quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP, xây dựng mã số vùng trồng…
Hay như tại Bình Dương, lần đầu tiên lô bưởi 50 tấn được dự kiến XK sang thị trường EU trong Quý II/2022. Đây là số bưởi được trồng bởi 2 nông hộ ở ấp Bàu Khai, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng với diện tích gần 13 ha.
Để tham gia XK bưởi vào EU, hai nông hộ này đã tuân thủ nghiêm túc quy trình sản xuất và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nhất là việc giám sát chặt chẽ sinh vật gây hại, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch.
Dư địa còn nhiều, liên kết chặt để tiến sâu
Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Dương đang chọn Công ty TNHH MTV The Fruit Republic (Cần Thơ) làm đối tác để XK bưởi da xanh ở huyện Dầu Tiếng sang thị trường EU trong thời gian tới.
Thị trường EU được đánh giá là thị trường tiêu thụ lớn với quả bưởi (khoảng 1 triệu tấn bưởi/năm) và sản phẩm bưởi. Mặc dù vậy, tuy là quốc gia có diện tích trồng bưởi khá lớn, như số liệu của Tổng cục Thống kê vào năm 2021 là 108.000ha (tăng 2.900ha so với năm 2020), đạt sản lượng 1.006,9 nghìn tấn (tăng 74.900 tấn so với năm 2020), thế nhưng Việt Nam lại xếp thứ 25 trong số các nước cung cấp quả bưởi cho EU.
Giới chuyên gia nhận định dư địa XK bưởi của Việt Nam sang EU còn nhiều. Nhất là với hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) thì hoạt động XK bưởi cần tận dụng ưu đãi thuế quan để thâm nhập sâu hơn thị trường EU.
Vấn đề là các DN XK bưởi cần đáp ứng tốt các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của EU và cung cấp những sản phẩm chế biến từ quả bưởi có giá trị gia tăng cao cho thị trường cao cấp này.
Còn với một thị trường lớn và khó tính khác như Mỹ, tin vui cho hoạt động XK bưởi trong giữa tháng 5/2022 này là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Jason Hafemeister cho biết việc mở cửa với quả bưởi của Việt Nam vào Mỹ đang được thúc đẩy tích cực.
Ông Hafemeister đã nói điều này trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khi tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ.
Theo chia sẻ của ông Hafemeister, phía Mỹ đã có thông báo lấy ý kiến công chúng từ tháng 2/2022 về việc nhập khẩu chính ngạch quả bưởi từ Việt Nam và hiện đang tổng hợp các ý kiến để công bố trong thời gian sớm nhất.
Với thị trường Mỹ, yêu cầu đặt ra cho việc nhập khẩu trái bưởi của Việt Nam là phải đảm bảo đầy đủ các quy định về vùng trồng, nhật ký canh tác, quy trình sơ chế đóng gói….
Cho nên, điều quan trọng ở các địa phương có diện tích trồng bưởi lớn như Bến Tre, Sóc Trăng, Bình Dương, Đồng Nai…là cần xây dựng vùng nguyên liệu với những tiêu chí hoàn chỉnh, đạt yêu cầu quy định trong quá trình đóng gói sản phẩm, cũng như ghi chép quá trình canh tác nghiêm ngặt và đạt hiệu quả.
Không chỉ vậy, những địa phương có diện tích trồng bưởi lớn cũng nên chủ động để nhiều DN và HTX xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các nông hộ để tiến sâu hơn trong hoạt động XK.
Bởi vì khi có mối liên kết chặt này, các nông hộ có chi phí để đầu tư vào quy trình sản xuất theo những yêu cầu khắt khe, và có hướng tiêu thụ hiệu quả nhất khi XK sang những thị trường lớn khó tính.
Thế Vinh