Tại buổi thông tin báo chí vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng Anh đã khẳng định điều này, đồng thời cho biết đang triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng đủ điện trong mùa Hè năm nay.
Than chưa đủ thì vay để phát điện
Thông tin về tình hình cung cấp điện trong thời gian qua, Thứ trưởng An cho biết, trong tháng 5/2023, tổng sản lượng tiêu thụ điện cả nước trung bình là 808 triệu kWh/ngày, hết ngày 25/5, sản lượng điện trung bình lên đến đến 818 triệu kWh/ngày, trong tuần vừa qua có ngày sản lượng điện tăng kỷ lục (ngày 22/5), trung bình 923,9 triệu kWh/ngày.
Cung ứng điện trong tháng 6 ở miền Bắc vẫn tiếp tục căng thẳng do dự báo thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, dự báo cắt điện là phương án mà Bộ Công Thương không tính tới. |
Trong khi đó, về hoạt động của các nguồn điện vẫn gặp khó khăn do một số tổ máy ở nhà máy nhiệt điện sửa chữa kéo dài, công suất của các nhà máy thủy điện giảm mạnh vì liên quan tới cột nước. Tuy nhiên, Thủ tướng họp với Bộ Công Thương và EVN chỉ đạo bằng mọi cách phải đảm bảo điện.
Theo đó, giải pháp đầu tiên là phải đảm bảo tin cậy các nhà máy phát điện, trong mùa khô này các nhà máy phát điện than, khí cực kỳ quan trọng, nếu có sự cố phải tìm cách khắc phục nhanh nhất.
Cùng với đó, tất cả nhà máy phát điện, tổng công ty phát điện, đơn vị của EVN, PVN có nhà máy điện bằng đủ mọi cách có đủ nguyên liệu cho phát điện. Tất cả nhà máy phải đảm bảo, trong các trường hợp than chưa đủ, phải đi vay than để phát điện. “Kể cả EVN không được giãn tiền mua than thì cũng phải mua, không thể không có điện, cắt điện được”, Thứ trưởng Công Thương nhấn mạnh.
“Khi khí suy giảm thì phải phun dầu DO vào để đốt. Đây là nguồn điện tương đối đắt tiền. Vừa qua, tình hình cung ứng dầu cũng có trục trặc nhưng đến nay cũng đã tích trữ, bổ sung dầu đủ cho nhu cầu”, Thứ trưởng An thông tin thêm. Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh tới giải pháp tiết kiệm điện. Từ nay tới hết mùa khô, đây là giải pháp cuối cùng nhưng rất hiệu quả.
“Chúng ta đừng tiết kiệm bằng giấy, mọi người chỉ cần tắt giúp tôi aptomat bình nước nóng, chỉ bật trước 20 phút khi tắm rồi tắt đi; tắt bớt đèn đường, chiếu sáng thì sẽ tiết kiệm cho chính mình, cho đất nước, cho ngành điện”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Cùng với đó, Bộ Công Thương chỉ đạo khẩn trương thoả thuận giá, nếu chưa có giá chính thức thì tạm tính, 50% giá thành, tăng nguồn cung điện.
Dự báo cung ứng điện miền Bắc vẫn căng thẳng
"Thủ tướng chỉ đạo rồi, có nhà máy không được để bỏ trống, "nằm chơi". Kể cả EVN không được giãn tiền than thì cũng phải mua, không thể không có điện, cắt điện được".
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An
Về dự báo tình hình cung ứng điện trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, truyền tải sẽ cao hơn kế hoạch, có thể 830 triệu kWh/ngày. Những ngày sắp tới, phụ tải miền Bắc sẽ cao hơn, còn miền Nam đã bình ổn do đã chính thức bước vào mùa mưa nên phụ tải sẽ không cao.
Tuy vậy, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, tổng công suất điện Việt Nam hiện có 80.000 MW, công suất phụ tải cao nhất 44.660 MW. Trong đó, cung ứng điện trong tháng 6 ở miền Bắc vẫn tiếp tục lo do dự báo thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, dự báo cắt điện là phương án mà Bộ Công Thương không tính tới.
"Nhiệt điện Thái Bình 2 đã chạy được 900MW, hy vọng sẽ sớm xử lý bơm cấp, trục trặc kỹ thuật để chạy thêm 300 MW nữa nâng tổng tải lên 1.200MW của cả hai tổ máy thì sẽ yên tâm.”, Thứ trưởng An nói, đồng thời tin rằng, nếu đảm bảo tốt, nhiên liệu đủ, điều tiết tốt vận hành hồ thủy điện và sử dụng tiết kiệm điện thì sẽ vượt qua khó khăn.
Không hẳn do thiếu điện mà phải nhập
Thông tin cụ thể về tình hình nhập khẩu điện, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, hiện mỗi ngày Việt Nam mua điện từ Lào vào khoảng 7 triệu kWh/ngày, từ Trung Quốc là 4 triệu kWh/ngày, trung bình điện nhập khẩu khoảng 10 triệu kWh/ngày, trong khi đó sản lượng điện tiêu thụ miền Bắc là 450 triệu kWh/ngày, nên tỷ trọng điện nhập khẩu rất thấp.
So sánh tổng sản lượng điện tiêu thụ trong nước với điện nhập khẩu, tỷ trọng rất thấp, bằng 1/10. Bên cạnh đó, Việt Nam không chỉ nhập điện Lào, Trung Quốc mà còn bán điện cho Campuchia theo hiệp định ký kết.
“Xét về kinh tế, có lợi mình mới làm, trong đó có giá luôn đảm bảo hiệu quả, hợp lý”, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định không hẳn do thiếu mà phải nhập, Việt Nam đã mua điện của Trung Quốc từ năm 2005. Còn nhập khẩu điện từ Lào theo hiệp định liên Chính phủ. Việt Nam cũng bán điện sang Campuchia từ rất lâu dựa trên các hiệp định giữa các nước láng giềng với nhau.
“Điện từ Lào chủ yếu là thuỷ điện, hai nước ký kết đến 2025 Việt Nam sẽ nhập hơn 3.000 MW điện từ Lào, 5.000 MW vào 2030, chủ yếu là thuỷ điện”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An thông tin.
Lê Thúy