Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo về cơ chế khuyến khích điện mặt trời mới, thay thế Quyết định 11/2017 đã hết hiệu lực từ tháng 6/2019.
Bộ Công Thương bất ngờ đề xuất chính sách điện mặt trời một giá (Ảnh: Internet) |
Điểm khác biệt của dự thảo này là chính sách giá điện mặt trời (giá FIT) sẽ chỉ còn một mức cho tất cả các vùng bức xạ, thay vì kịch bản chia làm 4 vùng hoặc 2 vùng như đề xuất trước đây.
Cụ thể, biểu giá mua điện của các dự án điện mặt trời mặt đất có giá 1.620 đồng/kWh, tương đương 7,09 cent/kWh. Giá mua với dự án điện mặt trời nổi là 1.758 đồng/kWh, tương đương 7,69 cent/kWh. Dự án điện mặt trời mái nhà là 2.156 đồng/kWh, tương đương 9,35 cent/kWh.
Giá mua điện này được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện mặt trời nối lưới có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ 1/7/2019 (thời điểm Quyết định 11/2017 hết hiệu lực) đến 31/12/2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Giá mua điện chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá VND với USD (tính tương đương UScent/kWh), tỷ giá áp dụng là tỷ giá trung tâm của VND với USD do Ngân hàng Nhà nước công bố vào ngày bên bán điện xuất hóa đơn thanh toán.
Theo Bộ Công Thương, phương án một giá điện mặt trời đơn giản nhưng khó khuyến khích phát triển tại miền Bắc, Trung. Chưa kể việc tập trung nhiều dự án điện mặt trời tại khu vực bức xạ tốt dẫn tới nguy cơ quá tải lưới truyền tải.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết tổng công suất điện mặt trời theo đề xuất của các nhà đầu tư đã khoảng 25.000 MW, điện gió là 16.500 MW. Đến hết tháng 6, 89 nhà máy điện mặt trời đưa vào vận hành với tổng công suất gần 4.500MW. Hiện có gần 400 dự án điện mặt trời đang chờ được bổ sung vào quy hoạch, nhưng đang vướng quy định Luật Quy hoạch mới (hiệu lực từ 1/1/2019).
Thy Lê