Theo Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường trung bình mỗi năm bắt giữ khoảng 4.000 vụ phân bón giả, gây thiệt hại tới 2,6 tỷ USD cho cả Nhà nước, doanh nghiệp (DN) và bà con nông dân. Đặc biệt, mỗi khi thị trường có biến động mạnh về giá cả, nỗi lo về nạn phân bón giả càng lớn.
Vô lối, mất trật tự
Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy tính đến đầu năm 2018, cả nước có 735 cơ sở sản xuất phân bón, đăng ký công suất tới 29 triệu tấn, 20.000 đầu tên phân bón.
Tuy nhiên, “Vô lối và mất trật tự ghê gớm” là đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trên diễn đàn Quốc hội. Bộ trưởng cho biết sau khi tiếp nhận trách nhiệm quản lý nhà nước từ Bộ Công Thương đối với lĩnh vực phân bón, Bộ NN&PTNT đã loại ra được hơn 2.000 sản phẩm không đạt chuẩn.
Đáng chú ý, trong khi nhu cầu thực tế chỉ khoảng 11,5 triệu tấn phân bón các loại, công suất cả ngành đang dư thừa lên đến gần gấp 3 lần nhưng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn tung hoành, len lỏi, thâm nhập sâu vào các vùng sản xuất chủ lực như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên…
Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tiêu hủy 87 bao phân bón nhãn hiệu Super hạt Lân Canxi Magie, tương đương 4.350 kg.
Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến 30/10/2019, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Long An thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý 23 trường hợp kinh doanh phân bón không đảm bảo chất lượng và 7 trường hợp kinh doanh phân bón giả, không có giá trị sử dụng, công dụng. Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính và thu nộp ngân sách 554 triệu đồng.
Đặc biệt, chiêu trò sản xuất phân bón giả ngày càng trở nên tinh vi. Theo một đại lý phân phối phân bón trên địa bàn ngoại thành Hà Nội, trong khoảng 4 năm trở lại đây có nhiều sản phẩm phân bón “ăn theo” mẫu mã, bao bì của các DN lớn có uy tín như Lâm Thao, Phú Mỹ, Cà Mau... với giá rẻ hơn nhiều nên tạo ra sự cạnh tranh lớn.
Không chỉ những sản phẩm quen thuộc với bà con nông dân mà ngay cả những sản phẩm mới ra thị trường của các nhà sản xuất cũng chỉ được một thời gian ngắn rồi nhanh chóng bị làm nhái.
Một cuộc khảo sát, điều tra của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) gần đây cho thấy 50% mẫu phân bón được bà con sử dụng phổ biến khi kiểm tra đã không đáp ứng được các chỉ tiêu chất lượng theo đăng ký hoặc công bố trên bao bì.
![]() |
Phân bón giả hoành hành kéo lùi ngành nông nghiệp Việt Nam |
Nỗi lo kép của nhà sản xuất
Tình trạng phân bón giả hoành hành cùng với chi phí sản xuất tăng cao đã khiến sức tiêu thụ của các DN sản xuất sụt giảm đáng kể.
Trong 9 tháng năm 2019, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ) ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.398 tỷ đồng, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm 2018; lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 152 tỷ đồng, giảm 73%.
Tình hình tương tự cũng diễn ra tại CTCP Phân bón Bình Điền (đơn vị sở hữu thương hiệu NPK Đầu Trâu) khi doanh thu trong 9 tháng năm 2019 đạt 4.565 tỷ đồng, lợi nhuận 55,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 8,8% và 72,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Ngoài khó khăn về thị trường tiêu thụ, ngành phân bón còn đang lo ngại một nguy cơ khác, đó là sự bất ổn định của nguồn nguyên liệu đầu vào.
Bên cạnh đó, nhu cầu đạm trong nước hiện chỉ đạt khoảng 2,6 triệu tấn/ năm nhưng công suất của 4 nhà máy lớn nhất hiện nay là Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau ở phía Nam và Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình (thuộc Vinachem) ở phía Bắc đã đạt gần 2,8 triệu tấn.
Dù nguồn cung trong nước dư thừa nhưng mỗi năm cả nước vẫn phải nhập khẩu gần 1 triệu tấn đạm, với kim ngạch gần 100 triệu USD. Nghịch lý này đến từ việc 2 nhà máy phía Bắc chạy bằng than, có chi phí đầu vào đắt đỏ, kém hiệu quả, giá thành sản xuất thường cao hơn giá bán trên thị trường 3.000-4.000 đồng/kg, nên càng sản xuất càng lỗ.
Trong khi đó, Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ - 2 “đại gia” nắm 70% thị phần phân đạm, lại đang đối mặt với thách thức thiếu khí và giá khí tăng cao, điển hình như chi phí nguyên vật liệu của Đạm Cà Mau từ đầu năm đến nay đã tăng tới 71%.
Nhìn chung, phân bón giả khiến người nông dân không đạt hiệu quả trong sản xuất, nuôi trồng, còn Nhà nước bị thất thu thuế. Chưa kể, phân bón giả còn làm thoái hóa đất đai, bần cùng hóa người nông dân, kéo lùi sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Do đó, sự ổn định của thị trường phân bón luôn cần được đảm bảo. Để làm được điều này, bên cạnh những chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, chính bản thân các DN cũng cần phải quyết liệt trong xu hướng thay đổi, quản trị nội tại, đẩy mạnh liên kết giữa DN, thương lái, HTX và người nông dân...
Vân Linh