Trong khi doanh số ô tô tại Việt Nam lần đầu cán mốc trên 500.000 xe thì sau 2 năm đại dịch, lượng mua xe máy cũng đã quay trở lại mốc 3 triệu xe.
Doanh số tiêu thụ vượt mốc 3 triệu xe
2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch là 2020 và 2021 chứng kiến doanh số xe máy tại Việt Nam đi xuống rõ rệt, chỉ đạt lần lượt khoảng 2,7 và 2,5 triệu xe. Trước đó vào năm 2019, doanh số xe cũng đã đi xuống, chỉ đạt 3,254 triệu xe so với mức đỉnh vào năm 2018 là 3,38 triệu xe. Khi đó, nhiều người đã bắt đầu nói về việc thời của xe máy đã hết tại Việt Nam.
Doanh số bán xe máy tại Việt Nam vượt mốc 3 triệu xe, chủ yếu là các thương hiệu Honda, Yamaha, Piaggio, Suzuki, SYM |
Tuy nhiên, bước sang 2022, khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, doanh số xe máy tại Việt Nam lại vọt, bất chấp việc nhiều mẫu xe, như Vision, Future 125 và Lead 125, SH Mode..., đang bị đại lý "thổi giá", bán chênh từ vài chục đồng so với giá niêm yết mà theo giải thích của đại lý, là do sự điều tiết theo cung - cầu của thị trường. Điển hình, giá xe Vision đang được bán chênh khoảng 7-10 triệu đồng so với giá niêm yết của nhà sản xuất, dòng Future 125 và Lead 125 đang được các đại lý bán cao hơn khoảng 8-10 triệu đồng, còn dòng SH hay SH Mode có giá bán thực tế cao hơn khoảng 12-18 triệu đồng.
Cụ thể, báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho thấy trong quý IV/2022, doanh số của các thành viên đạt 831.999 xe, tăng 9,98% so với cùng kỳ trong năm 2021.
Tính chung doanh số của các thành viên VAMM sau 12 tháng đã qua đạt hơn 3 triệu xe. Như vậy trung bình cứ mỗi ngày trong năm 2022, người Việt lại mua hơn 8.200 xe máy – tương đương khoảng 6 xe máy/phút.
Điều đáng chú ý, doanh số hơn 3 triệu nói trên chỉ bảo gồm các thương hiệu trực thuộc VAMM, gồm: Honda, Yamaha, Piaggio, Suzuki, SYM. Trên thị trường còn một số thương hiệu xe máy khác, xe điện và cả xe phân khối lớn, do đó trên thực tế số lượng xe máy tiêu thụ tại thị trường Việt Nam còn lớn hơn
Bên cạnh đó, 2022 là lần thứ năm trong vòng bảy năm qua, doanh số bán xe máy tại Việt Nam vượt mốc hơn 3 triệu xe mỗi năm. Trước đó, giai đoạn 2016-2019, doanh số bán xe máy tại Việt Nam liên tục vượt 3 triệu xe năm. Năm 2018 ghi nhận doanh số cao kỷ lục gần 3,4 triệu xe.
Hai năm 2020 và 2021, doanh số bán xe máy lần lượt các mốc ở mức hơn 2,7 và 2,4 triệu xe. Dịch bệnh COVID-19 khiến người dân hạn chế di chuyển được cho một trong các lý do chính cho sự suy giảm này.
Xe máy điện chiếm lĩnh thị trường năm 2023?
Theo dự báo của các chuyên gia, trong bối cảnh giá xăng dầu và nhiều loại hàng hóa đều tăng cao, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, trong đó việc chuyển từ xe chạy xăng sang xe điện sẽ có sự bứt phá trong năm 2023. Vì vậy, thời điểm này các “ông lớn” đã rục rịch tung xe mới.
Ông Nguyễn Bá Cảnh Sơn, CEO của Dat Bike Việt Nam, cho biết xe điện đang trở thành xu hướng trên thế giới, mức tăng trưởng mỗi năm trên 10% và dung lượng thị trường đến năm 2025 có thể lên tới 60 tỉ USD. Nhiều nước đã làm xe điện và phát triển mạnh, trong khi Việt Nam với dân số gần 100 triệu dân là vùng đất giàu tiềm năng mà các hãng xe trong và ngoài nước đều muốn chinh phục.
Chẳng hạn, VinFast cho ra mắt thương hiệu Evo 200 có giá 22 triệu đồng, Feliz S giá 29,9 triệu đồng, Klara S giá 36,9 triệu đồng, Vento S giá 56 triệu đồng và Theon S giá 69,9 triệu đồng. Mức trên chưa bao gồm pin. Giá thuê pin từ 189.000 đến 399.000 đồng tùy loại xe, hoặc mua pin sở hữu trọn đời với chi phí 19,9 triệu đồng.
Ngoài VinFast, các ông lớn như Honda, Yamaha... cũng vừa ra mắt xe máy điện để đón đầu nhu cầu của thị trường. Cụ thể, mẫu xe máy điện Honda Benly dù không được chính thức bán ra trên thị trường nhưng với việc sử dụng sử dụng bởi các bưu tá của Bưu điện Việt Nam thì dường như hãng xe Nhật đang thực hiện cuộc "chạy thử nghiệm" để xem xét có phù hợp với Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để xe máy điện trở thành xu hướng, các nhà sản xuất cần phải giải quyết được sự hạn chế của hệ thống trạm sạc vẫn còn rải rác, khiến người dùng xe điện cảm thấy bất tiện hơn so với việc dùng xe xăng. Đây cũng chính là yếu tố khiến các hãng xe truyền thống như Honda, Yamaha, Suzuki… đến thời điểm này vẫn chỉ dừng lại ở việc thử nghiệm.
Đặt lên bàn cân câu chuyện chuyển đổi xe xăng sang xe điện, theo ông Sơn, nhà sản xuất phải giải quyết cho được 3 điểm mấu chốt gồm công suất, quãng đường và thời gian sạc pin nếu muốn chinh phục người dùng, thúc đẩy họ chuyển từ xe chạy xăng sang xe điện.
Thanh Hoa