Kết quả kinh doanh quý III/2023 cho thấy đa phần các doanh nghiệp ngành thép vẫn thua lỗ. Riêng hai “ông lớn” là CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long hay Tập đoàn Hoa Sen (HSG) của "đại gia" Lê Phước Vũ ghi nhận kết quả kinh doanh có lãi.
Giá thép giảm sâu, doanh nghiệp “gánh” lỗ
Từ tháng 3/2023 đến nay, giá thép có 19 đợt điều chỉnh, tổng cộng hơn 14%, hiện dao động quanh mức 13,7 triệu đồng/tấn, thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nguyên nhân giá thép trong nước liên tục giảm là do nhu cầu tiêu thụ chậm, số lượng các công trình dân dụng được khởi công còn ít, hoạt động đầu tư công dần được đẩy mạnh nhưng chưa đủ sức giúp thị trường thép tốt hơn. Trong khi đó, các nhà sản xuất trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ từ Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá xuất khẩu.
9 tháng đầu năm giá thép liên tục điều chỉnh giảm cùng với sức tiêu thụ yếu khiến cho hoạt động của nhiều doanh nghiệp trong ngành này gặp khó khăn. |
Các nguyên nhân tác động đến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành thép. Điển hình, trong quý III/2023, hàng loạt doanh nghiệp họ VNSteel gồm: Công ty CP Thép Vicasa – VNSteel (mã: VCA), Thép Thủ Đức - VNSteel (mã: TDS), Thép Nhà Bè – VNSteel (mã: TNB), Gang thép Thái Nguyên (mã: TIS) đã báo lỗ lần lượt sau thuế gần 3 tỷ đồng, 491 triệu đồng, 2,7 tỷ đồng, 58,5 tỷ đồng. Chỉ duy nhất Kim khí TP. Hồ Chí Minh – VNSteel (mã: HMC) là doanh nghiệp hiếm hoi trong nhóm báo lãi quý III dù mức lãi sau thuế chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng.
"Câu lạc bộ" lỗ lớn ngành thép còn có Công ty cổ phần đầu tư thương mại SMC (mã: SMC) ghi nhận lỗ sau thuế 178 tỷ đồng trong quý III. Luỹ kế 9 tháng năm 2023, SMC lỗ 585 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ.
Tương tự, Gang thép Thái Nguyên - Tisco (mã: TIS) cũng ghi nhận lợi nhuận gộp quý III đạt 33,8 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023 lỗ sau thuế 194 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 7 tỷ đồng; CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ (mã: KVC) cũng báo lỗ sau thuế 6,3 tỷ đồng trong quý III/2023 - tăng so với mức 5,9 tỷ cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, Inox Kim Vĩ lợi nhuận ròng âm 3,6 tỷ đồng.
“Điểm sáng” của thị trường thép là hai “ông lớn” Hoà Phát và Hoa Sen có lãi sau thuế lần lượt là 2.000 tỷ đồng, tăng 212% (tăng 38% so với quý trước) và lãi 438 tỷ đồng.
Chuyên gia ngành thép Nguyễn Văn Sưa, cho rằng để ổn định giá thép cũng như phục hồi thị trường ngành này, ngoài việc kích cầu đầu tư thì điều cần thiết là đẩy mạnh các dự án bất động sản, các công trình, dự án đầu tư công. Khi thị trường bất động sản sôi động trở lại thì giá thép sẽ tăng, thị trường sẽ ấm lên. Bởi ngành bất động sản, xây dựng dân dụng ảnh hưởng lớn đến nhu cầu ngành thép khi chiếm khoảng 50-60% nhu cầu toàn ngành và ảnh hưởng đến hầu hết các mặt hàng thép thành phẩm.
Xuất hiện những dấu hiệu tích cực
Các tín hiệu tích cực hơn đối với ngành bất động sản đã dần xuất hiện trong thời gian gần đây. Số liệu của VSA cho thấy từ tháng 9/2023, sản lượng tiêu thụ thép ghi nhận mức cao nhất kể từ đầu năm, đạt gần 2,2 triệu tấn, tăng 4,7% so với tháng 8 và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tiêu thụ thép xây dựng đạt gần 1 triệu tấn, lần lượt tăng 9% và 4%.
Công ty Hoà Phát cũng cho biết, trong tháng 9/2023 doanh nghiệp bán được 596.000 tấn thép các loại (không bao gồm sản phẩm ống thép, tôn mạ), tăng 7% so với tháng 8. Trong đó, thép xây dựng đóng góp 352.000 tấn, cao nhất kể từ đầu năm và tăng 15%.
Tương tự, tại Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel) sản lượng bán hàng trong tháng 9/2023 đạt hơn 268.000 tấn, tăng 8% so với tháng 8 và tăng 9% so với cùng kỳ.
Với sự phục hồi của thị trường, các chuyên gia dự báo lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ cải thiện trong quý cuối năm nhờ xuất khẩu thép tăng trở lại, hàng tồn kho tại các doanh nghiệp đã giảm…
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhận định, giá thép sẽ có xu hướng tăng nhẹ trong quý IV/2023, sau giai đoạn hàng tồn kho giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc được tiêu thụ. Do đó, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sẽ ít bị ảnh hưởng bởi đà tăng của giá quặng trong thời gian qua. Bên cạnh đó, chính sách hạn chế sản xuất thép thô trong quý IV/2023 của Trung Quốc (nhằm giảm tác hại tới môi trường) sẽ thúc đẩy giá bán tăng trong những tháng cuối năm.
Ngoài ra, giải ngân đầu tư công tính đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch năm 2023. Giá thép chiếm khoảng 30% trong cơ cấu chi phí vật liệu xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì thế, sự gia tăng đầu tư công trong những tháng cuối năm sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đối với ngành thép. Như với Hoà Phát, một trong những nguyên nhân giúp tiêu thụ thép tháng 9 của doanh nghiệp này cao hơn tháng 8 chủ yếu là nhờ các dự án giao thông như Cao tốc Bắc - Nam, các dự án sân bay mới được triển khai và đẩy nhanh tiến độ.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, thời điểm để thị trường thép hồi phục trở lại có thể phải sang quý I/2024.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng thép chủ yếu phục vụ cho nhu cầu xây dựng là chính, còn thép phục vụ cho các ngành hàng, hoạt động khác không đáng kể. Do vậy, quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn, ảm đạm của bất động sản sẽ tháo gỡ khó khăn của ngành thép. Vì vậy, chuyên gia này cho rằng thị trường bất động sản sẽ chỉ có thể được hồi phục từ năm 2024 khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua tháo gỡ hàng loạt các nút thắt pháp lý và áp lực tài chính, lãi suất được giảm bớt khi các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn cũng như kích cầu người mua nhà.
Tuy nhiên, công ty chứng khoán VNDirect lại cho rằng thị trường bất động sản sẽ được phục hồi từ năm 2024 còn là quá sớm và quá lạc quan. Dựa vào chu kỳ lên xuống của thị trường bất động sản trong hơn một thập kỷ qua, có thể sẽ phải mất đến 2-3 năm nữa, thị trường bất động sản mới có thể vực dậy được. Từ đó, tiêu thụ thép mới có thể khởi sắc trở lại.
Thanh Hoa