Mùa báo cáo tài chính quý III vừa mới bắt đầu đã ghi nhận hàng loạt các doanh nghiệp ngành thép đua nhau báo lỗ. Hàng loạt doanh nghiệp phải chật vật tìm cách xoay sở trong bối cảnh nhu cầu của thị trường suy yếu, giá bán đầu ra giảm mạnh trong khi giá nguyên liệu đầu vào lại đắt đỏ.
Công ty CP Gang thép Thái Nguyên - Tisco (mã chứng khoán TIS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 với doanh thu ở mức 2.414 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu giảm trong khi chi phí tài chính và chi phí doanh nghiệp đều tăng ở mức lần lượt là 13% và 36% so với cùng kỳ đã khiến tổng lỗ sau thuế của doanh nghiệp là 59 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ 5 liên tiếp của Tisco.
Bên cạnh TIS, Công ty CP Thép Vicasa - VnSteel cũng ghi nhận thua lỗ trong quý 3 vừa qua. Theo đó, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 390 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước và ghi nhận mức lỗ khoảng 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này được cho là khả quan vì đã giảm nhiều so với số lỗ 22 tỷ đồng mà công ty này ghi nhận trong quý II vừa qua. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, lũy kế của Thép Vicasa đạt doanh thu 1.256 tỷ đồng và vẫn có lãi sau thuế hơn 3,5 tỷ đồng do kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tăng cao, trong khi cùng kỳ lỗ 12,5 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp thép vẫn liên tục báo lỗ trong quý III/2023. |
Trong tình trạng khó khăn chung, một doanh nghiệp khác trong nhóm VNSteel là Thép Thủ Đức - VNSteel, cũng báo lỗ 491 triệu đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay của doanh nghiệp đạt doanh thu thuần 571 tỷ đồng giảm 49% so với cùng kì và lãi sau thuế 1,6 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với Công ty CP Thép Nhà Bè, tình hình kinh doanh cũng không được khả quan khi doanh thu quý 3 của doanh nghiệp giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022, đạt ở mức là 337 tỷ đồng. Giá vốn giảm mạnh tuy nhiên doanh thu vẫn không đủ bù đắp chi phí khiến doanh nghiệp vẫn báo lỗ 2,7 tỷ đồng, ghi nhận quý lỗ thứ 2 liên tiếp.
Nhiều doanh nghiệp thép khác vẫn chưa chính thức công bố báo cáo tài chính, tuy nhiên, nhìn chung tình hình kinh doanh được dự báo là tiếp tục thua lỗ hoặc thu về lợi nhuận không đáng kể.
Chia sẻ về tình trạng này, lãnh đạo Tisco cho biết, việc các công ty thép thua lỗ kéo dài là do nhu cầu thị trường tiêu thụ thép suy yếu, gặp nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm, sản lượng và giá bán ra giảm mạnh trong khi đó giá nguyên liệu đầu vào lại giảm không đáng kể. Hoạt động suy yếu trong khi chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng khiến công ty phải chịu áp lực chi phí lớn.
Trong nửa cuối năm 2023, SSI cho rằng các doanh nghiệp thép chưa quay lại mức trung bình nhưng sẽ được cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán hàng có thể sẽ tăng do mùa mưa đã kết thúc, các hoạt động bất động sản và xây dựng dần tăng trở lại. Dù vậy, xu hướng nhập khẩu ồ ạt của thép Trung Quốc vào Việt Nam như hiện nay cũng có thể gây ra một số mối nguy cơ, khó khăn nhất định cho thị trường kinh doanh thép.
Bước sang năm 2024, SSI cũng đang đưa ra nhận định giá thép có thể sẽ phục hồi sau khi ở mức thấp trong nhiều năm, mặc dù mức độ phục hồi và thời gian tăng vẫn còn là yếu tố chưa rõ ràng. Tuy nhiên, mức độ tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp thép đang được kỳ vọng có thể sẽ đạt khoảng 70 -80% trong năm 2024.
Bích Tâm