Mới đây, sau khi lập đoàn thanh tra, Bộ Công Thương đã phát hiện 99,3% hàng hóa của công ty Mumuso được nhập khẩu từ Trung Quốc, phần còn lại được mua tại các đơn vị cung cấp hàng hóa, sản phẩm khác trong nước.
Có thể phạm tội kinh doanh hàng giả
Theo Bộ Công Thương, công ty này có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng (NTD).
Trong thông tin, tài liệu cung cấp công khai cho NTD, Mumuso sử dụng nhiều nội dung thể hiện sự liên quan tới nguồn gốc từ Hàn Quốc, nhưng công ty không cung cấp được các căn cứ, tài liệu để xác minh tính chính xác của các thông tin cung cấp, đặc biệt là thông tin về nguồn gốc, công nghệ sản xuất sản phẩm.
Cụ thể, Mumuso có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh (quảng cáo gây nhầm lẫn về nơi sản xuất hàng hóa nhằm cạnh tranh không lành mạnh). Quá trình kiểm tra cho thấy việc công ty sử dụng một số nội dung quảng cáo công khai tại cửa ra vào địa điểm kinh doanh: "Mumuso: Giá chỉ từ 22.000 KOREA"; sử dụng chữ KOREA (Hàn Quốc) trên các túi đựng sản phẩm là không chính xác, có thể khiến khách hàng hiểu rằng cửa hàng, người sản xuất, nơi sản xuất, xuất xứ, sản phẩm của công ty liên quan đến KOREA (Hàn Quốc)….
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, căn cứ kết quả kiểm tra, bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc bộ xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cho rằng NTD không bài xích hàng Trung Quốc nhưng hành vi của Mumuso là vi phạm rất nghiêm trọng, có thể gọi là kinh doanh "hàng giả".
"Mumuso sử dụng nhiều nội dung thể hiện sự liên quan tới nguồn gốc từ Hàn Quốc nhưng bán chủ yếu hàng Trung Quốc là đánh lừa NTD giống kiểu "treo đầu dê bán thịt chó", "Hồn Trương Ba da hàng thịt", ông Phú nhấn mạnh.
Do vậy, theo ông Phú, nếu có kết quả điều tra, cơ quan quản lý nên tạm đình chỉ hoạt động của Mumuso. Đồng thời, căn cứ vào quy định của pháp luật cũng như xem doanh số, quy mô gây thiệt hại mà Mumuso đã gây ra cho NTD để xử lý thật nghiêm.
Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi cho NTD, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam nên đứng ra để tập hợp những NTD chịu thiệt hại từ việc quảng cáo sai sự thật của Mumuso để yêu cầu thương hiệu này phải đền bù.
Người tiêu dùng không bài xích hàng Trung Quốc nhưng hành vi của Mumuso là vi phạm rất nghiêm trọng |
Mở rộng điều tra
Đáng chú ý, theo ông Phú, không riêng gì Mumuso, các cửa hàng tiện ích bán lẻ như Miniso, Daiso, Minigood, Yoyoso… cũng đang xảy ra tình trạng nhập nhèm về nguồn gốc xuất xứ, vì vậy Bộ Công Thương cần phối hợp với đơn vị quản lý thị trường, bộ ngành có liên quan để mở rộng điều tra.
"Không chỉ Mumuso, tại Miniso, Daiso đều quảng cáo là thương hiệu đến từ Nhật Bản nhưng tôi quan sát thấy rất nhiều hàng hóa được sản xuất từ Trung Quốc, như vậy là đang lừa dối NTD", ông Phú cho biết.
Trên thực tế, khảo sát cho thấy, Miniso quảng cáo thương hiệu được thiết kế từ Nhật Bản, gắn mác Nhật nhưng nếu khách hàng đọc kỹ đều thấy dòng chữ "made in China" xuất hiện ở phần lớn hàng hóa của công ty này.
Tương tự tại Minigood, Yoyoso, hàng hóa bày bán ở đây phần lớn sản xuất tại Trung Quốc nhưng đều quảng cáo là Hàn Quốc.
Hay một thương hiệu khác là Daiso cũng được biết đến bán nhiều hàng Nhật tại Việt Nam. Trên các giá để hàng tại Daiso đều ghi một dòng chữ rất to "Daiso Japan – tất cả sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản", tuy nhiên không khó để khách hàng tìm ra rất nhiều sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc.
Trước đó, một số vụ việc nhập nhèm về nguồn gốc xuất xứ cũng đã được phát hiện như nhãn hiệu máy lọc nước Kangaroo quảng cáo sản phẩm có khả năng ngăn ngừa bệnh mỡ máu, sau đó bị Sở Y tế Hà Nội ra quyết định thu hồi quảng cáo. Hay vụ việc của Khaisilk mua khăn lụa Trung Quốc về, sau đó dán mác "made in Vietnam" và bán giá đắt gấp nhiều lần… Điều này cho thấy nhập nhèm về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa đang rất đáng báo động.
Thy Lê