Khảo sát ngày 26/8, giá lợn hơi đồng loạt đi xuống trên cả 3 miền với mức giảm từ 1.000 - 2.000 đồng và được thương lái thu mua từ 79.000 - 86.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi 'hạ nhiệt'
Trung bình những ngày gần đây, giá lợn thịt xuất tại cửa chuồng có xu hướng chung là giảm. Cụ thể: khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: 86.000 - 87.000 đồng/kg; khu vực Đông Nam Bộ (Đồng Nai): 85.000 - 87.000 đồng/kg; khu vực miền Trung (Bình Định): 78.000 - 80.000 đồng/kg; khu vực miền Bắc (Hà Nội và một số tỉnh Đồng bằng Sông Hồng): 88.000 - 90.000 đồng/kg; Hòa Bình: 87.000 - 89.000 đồng/kg.
Người chăn nuôi nhỏ lẻ cần chính sách hỗ trợ về vốn, con giống. |
Giá lợn hơi xuất chuồng của Công ty chăn nuôi C.P Việt Nam bán ở miền Bắc là 80.000 đồng/kg, miền Nam là 81.000 đồng/kg nhưng là bán qua đại lý, còn bán móc hàm là 110.000 - 120.000/kg.
Cùng với đó, giá lợn hơi ở Thái Lan cũng chỉ còn 70.000 - 72.000 đồng/kg, về đến Việt Nam xuất bán 84.000 - 86.000 đồng/kg.
Theo Bộ NN&PTNT, ở thời điểm hiện tại, nếu hạch toán chi tiết, người chăn nuôi đi mua con giống thì giá thành khoảng 71.000 đồng/kg lợn hơi, nếu nuôi khép kín từ khâu giống đến nuôi thịt thì giá thành khoảng 50.000 đồng/kg. Như vậy, với mức giá lợn hơi xuất chuồng khoảng 80.000 đồng/kg, chắc chắn người chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn đang có lãi.
Tuy nhiên, xét trong bối cảnh giá lợn hơi trong thời gian tới được dự báo tiếp tục giảm khi mà nguồn cung ngày càng đa dạng, các ngành chức năng cần có sự hỗ trợ để kéo giảm giá thành chăn nuôi lợn.
Bởi trong mức hạch toán giá thành 71.000 đồng/kg lợn hơi nói trên, chi phí con giống đang khá đắt đỏ chiếm tới 3,2 triệu đồng/con, chi phí thức ăn là 2,7 triệu đồng để nuôi một con lợn 100 kg, chưa kể chi phí vật tư thú y, chi phí chuồng trại, điện nước, công chăm sóc, lãi suất ngân hàng...
Hỗ trợ để kéo giảm giá thành chăn nuôi
Đặc biệt, những ngày gần đây, lượng thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam ngày một nhiều. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chấp thuận cho 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam, trong đó có 19 quốc gia được xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn. Hiện tại, có hơn 800 doanh nghiệp của 19 quốc gia này được phép xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam.
Trong 7 tháng đầu năm 2020, có 130 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hơn 93.248 tấn thịt lợn các loại, chủ yếu từ các nước Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha và Nga, tăng 223% so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, từ ngày 12/6 - 1/8, đã có 36 lượt doanh nghiệp của Việt Nam đăng ký kiểm dịch nhập khẩu hơn 4,7 triệu con lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam. Hiện, đã có 15 doanh nghiệp nhập khẩu 75.334 con lợn thịt vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG cho biết, siêu thị này vừa qua đã nhập về 1 container thịt lợn từ Mỹ. Thịt lợn Mỹ có chất lượng tốt, màu sắc, mùi vị ngon và đặc biệt giá rất cạnh tranh, thấp hơn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 10 - 20%, bởi vậy được người tiêu dùng yên tâm lựa chọn.
Dự kiến từ nay đến cuối năm, Công ty TNHH Bán lẻ BRG sẽ có 4 container thịt lợn từ Mỹ nhập về Việt Nam.
Theo Bộ NN&PTNT, trên cơ sở khung chính sách của Nhà nước, nhiều tỉnh, thành phố đã có chính sách cụ thể về hỗ trợ cho phát triển chăn nuôi, công tác tái đàn, tăng đàn lợn như: Hà Nội đã có Nghị quyết của HĐND TP về hỗ trợ cho tái đàn lợn, chính sách di dời các cơ sở chăn nuôi và thực hiện Luật Chăn nuôi cùng các văn bản dưới luật.
Một số tỉnh có chính sách ưu đãi, như Bình Phước miễn thuế đất cho các trang trại chăn nuôi mới để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi; Bình Định chuyển 150 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho người chăn nuôi vay lãi suất 0% để tái đàn lợn; Bình Dương hỗ trợ 10 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi tái đàn 20 con lợn; Hòa Bình và Thừa Thiên - Huế hỗ trợ 1 tỷ đồng/trang trại xây dựng mới; 12 tỉnh khác hỗ trợ từ 500 nghìn đến 4 triệu đồng/1 con lợn nái tái đàn.
Tuy vậy, để đảm bảo giá lợn giảm xuống mức lý tưởng khoảng 60.000 đồng/kg mà người chăn nuôi nhỏ vẫn có lãi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh chính sách hỗ trợ cụ thể để các hộ tái đàn và tăng đàn lợn giống; có chính sách về lãi suất tiền vay, chính sách về đất đai cho người chăn nuôi nhỏ tái đàn, tăng đàn.
"Đặc biệt, tăng tỷ lệ chọn giống, nâng cao năng suất sinh sản của đàn nái hiện có, tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ để có con giống với giá thành hạ, an toàn dịch bệnh. Từ đó mới kéo giảm giá thành chăn nuôi, thu lãi ngay cả khi giá lợn hơi về mức lý tưởng", ông Tiến khuyến nghị.
Thy Lê