Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu vải may mặc các loại vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 trị giá gần 10,95 tỷ USD, tăng 14,3% so với 9 tháng đầu năm 2023.
Riêng tháng 9/2024 đạt trên 1,25 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng 8/2024 và tăng 14% so với tháng 9/2023.
Điều đáng lưu ý, vải may mặc nhập khẩu về Việt Nam có tới 67% trong tổng kim ngạch có xuất xứ từ thị trường Trung Quốc, riêng tháng 9/2024 nhập khẩu từ thị trường này đạt trên 802,29 triệu USD, giảm 4,1% so với tháng 8/2024 nhưng tăng 10,8% so với tháng 9/2023; cộng chung cả 9 tháng đầu năm 2024 đạt trên 7,33 tỷ USD, tăng 20,4% so với 9 tháng đầu năm 2023.
Vải may mặc nhập khẩu về Việt Nam có tới 67% trong tổng kim ngạch có xuất xứ từ thị trường Trung Quốc. |
Tiếp sau đó là thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đạt gần 1,14 tỷ USD, tăng 11,6%, chiếm 10,4%; Riêng tháng 9/2024 đạt 152,66 triệu USD, tăng 9,6% so với tháng 8/2024 và tăng 20,6% so với tháng 9/2023.
Nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc trong tháng 9/2024 tăng 1,4% so với tháng 8/2024 và tăng 2,1% so với tháng 9/2023, đạt trên 113,64 triệu USD; tính chung cả 9 tháng đầu năm 2024 giảm 0,5% so với cùng kỳ, đạt trên 1,11 tỷ USD, chiếm 10,2%. Vải nhập khẩu từ thị trường Nhật Bản 9 tháng đầu năm 2024 giảm 4,1%, đạt 478,97 triệu USD, chiếm 4,4%.
Nhìn chung, kim ngạch nhập khẩu vải may mặc từ hầu hết các thị trường trong 9 tháng đầu năm 2024 tăng so với 9 tháng đầu năm 2023.
Vải là nguyên liệu đầu vào cực quan trọng đối với ngành dệt may Việt Nam - đây là ngành hàng mũi nhọn có kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỷ USD mỗi năm. Hiện các sản phẩm may mặc của Việt Nam đã xuất sang 104 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên nguồn vải nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu, do đó Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu vải từ các quốc gia khác, điển hình là Trung Quốc.
Bà Trần Thị Phương Anh, Giám đốc điều hành Công ty CP May Chiến Thắng cho biết, vấn đề nguyên liệu đang là cản trở rất lớn để ngành dệt may phát triển bền vững và tận dụng lợi thế từ các FTA. Doanh nghiệp luôn mong muốn tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước nhưng gặp không ít khó khăn.
Theo bà Phương Anh: "Hiện cố gắng lắm chúng tôi có thể đáp ứng được khoảng từ 60 - 70% nguồn nguyên liệu trong nước, bởi phần lớn bị hạn chế cả về số lượng và chất lượng nguồn cung. Sau nhiều năm chúng ta quyết tâm đầu tư cho phát triển công nghiệp phụ trợ dệt may nhưng thật sự chưa đáp ứng được nhu cầu".
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương đánh giá, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu có quy định về quy tắc xuất xứ và yêu cầu sản phẩm may phải hoàn thiện từ vải trở đi. Đây là thời điểm mà chúng ta cần nhìn nhận rõ và phải có quyết tâm để vượt qua điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng bằng việc hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành. Từ đó mới có cơ sở hình thành chuỗi cung ứng của ngành dệt may một cách tương đối đầy đủ ngay tại Việt Nam.
Dệt may là một trong những ngành nằm trong nhóm có kim ngạch xuất khẩu cao những năm qua. Đặc biệt, trải qua một giai đoạn không ít khó khăn, ngành đang từng bước phục hồi với mức tăng trưởng rất tích cực trong 6 tháng đầu năm nay: Xuất khẩu tăng 5% so cùng kỳ năm trước, Việt Nam đã vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường Mỹ, hầu hết doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 10… Với đà tăng này, nhiều chuyên gia rất kỳ vọng vào việc đạt được mục tiêu 44 tỷ USD cho cả năm nay.
Hồng Hương