Lưu ý mới đây của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) rất đáng để lưu tâm. Đó là tình hình chung hiện nay tại các doanh nghiệp (DN) dệt may là đơn giá chưa được cải thiện nhiều, nhất là với các đơn hàng FOB (được hiểu là mua đứt – bán đoạn, các DN sẽ là người chủ động làm mọi việc từ khâu mua nguyên liệu cho đến khi làm ra được sản phẩm cuối cùng).
Vẫn lo áp lực đơn giá thấp
Như thời gian qua cho thấy mặc dù xuất khẩu (XK) dệt may khởi sắc về mặt đơn hàng (lũy kế 7 tháng năm 2024, XK dệt may Việt Nam đạt 23,9 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ, tương ứng với mức tăng 1,33 tỷ USD), thế nhưng các DN vẫn phải chịu nhiều áp lực do giá đơn hàng không tăng hoăc có đơn giá rất thấp. Tình hình chung là nhiều DN làm hàng với giá rất thấp, tương đương mặt bằng chung của giá hồi năm ngoái.
Các DN dệt may vẫn còn thận trọng với các đơn hàng vào quý 4/2024 trước áp lực đơn giá thấp. |
Chính vì vậy, ông Giang cho biết đơn hàng quý 4/2024 với các DN dệt may vẫn chưa chắc chắn (bởi vì các khách hàng còn thận trọng theo dõi các diễn biến của thị trường) dù thời điểm hiện tại về cơ bản đơn hàng XK đã có đủ tới hết quý 3/2024.
Ghi nhận ở một số địa phương phía Nam có thế mạnh về XK dệt may như Đồng Nai, Bình Dương cho thấy sẽ không quá khó cho các DN trong việc tìm thêm đơn hàng mới cho sản xuất từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, trước khi ký hợp đồng với đối tác thì họ phải cân nhắc kỹ về mặt đơn giá khi mà giá nguyên liệu đầu vào gần đây liên tục tăng từ 15-20% so với cùng kỳ năm trước, cộng các chi phí khác như: Điện, công lao động, vận tải cũng tăng.
Vấn đề mà các DN xuất khẩu dệt may (vốn chủ yếu gia công cho các nhãn hiệu lớn trên thế giới, lệ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, giá trị gia tăng thu được rất thấp) đang tỏ ra thận trọng là nếu ký kết đơn hàng mới có thể thua lỗ. Nhất là khi mà giá thành của sản phẩm ngày càng lên cao trong khi các khách hàng chỉ đồng ý mua sản phẩm với giá cũ hoặc tăng rất ít.
Trong khi đó, đây là thời điểm mà giới quan sát cho rằng “cờ đến tay” với XK dệt may của Việt Nam khi đối thủ cạnh tranh hàng đầu trên thị trường thế giới là Bangladesh có những bất ổn về mặt kinh tế chính trị.
Trong báo cáo cập nhật mới nhất trong tháng 8/2024 về ngành dệt may, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán SSI lưu ý rằng các thương hiệu thời trang hàng đầu từ Châu Âu (H&M, Zara...) đều là những mặt hàng XK chính của Bangladesh. Nhiều nhà máy đã phải đóng cửa, do đó, nhiều khách hàng đã cân nhắc chuyển các đơn đặt hàng sang các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.
Theo SSI, đối với Việt Nam, các DN sản xuất hàng may mặc trong nước có tỷ trọng đóng góp cao nhất từ thị trường Châu Âu và tỷ lệ đơn đặt hàng CMT (phương thức gia công và XK đơn giản nhất) ở mức cao (đây là lợi thế cạnh tranh của Bangladesh) có thể được hưởng lợi từ sự thay đổi này.
Còn theo Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Agriseco, hiện tại cũng là cao điểm mùa XK đối với các mặt hàng may mặc nhằm phục vụ mùa lễ hội cuối năm. Các DN dệt may của Việt Nam hưởng lợi là các DN có năng lực sản xuất đủ để tiếp nhận các đơn hàng mới dịch chuyển sang từ thị trường Bangladesh.
Như vậy có thể thấy cơ hội đang đến cho các DN dệt may Việt Nam, thế nhưng vấn đề đặt ra là “cờ đến tay” rồi thì làm sao “phải phất cờ” cho đúng để có thể mang lại lợi thế cạnh tranh, gia tăng giá trị từ xu thế thời trang xanh, đem về lợi nhuận cho DN và tránh rủi ro về đơn giá.
Đẩy mạnh marketing xanh
Bởi lẽ, ngoài việc giá thành sản xuất ngày càng tăng cao, mặt hạn chế của nhiều DN nội địa trong ngành dệt may là gặp khó trong việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường do chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí tuân thủ cao (đặc biệt với các quy định, tiêu chuẩn mới), lại chịu rủi ro tình hình tài chính do tăng nợ vay dài hạn.
Do vậy, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh thời gian tới các DN trong ngành cần tiếp tục thực hiện đa dạng hóa thị trường, bạn hàng, mặt hàng. Đặc biệt, DN cần có chiến lược phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu về xanh hóa, đầu tư vào quản trị số, các giải pháp đầu tư về công nghệ tự động hóa ở một số dây chuyền sản xuất, giao hàng nhanh, chất lượng cao.
Không chỉ vậy, các DN dệt may cũng cần sự hỗ trợ để tăng khả năng khai thác ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Chẳng hạn như với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), lưu ý mới đây từ Thương vụ Việt Nam tại Canada là qua làm việc với Hiệp hội Dệt may Canada đã chỉ ra những khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn hàng dệt may do các DN Việt Nam khó có khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi trong CPTPP.
Vì thế, để bảo đảm thị phần cũng như tốc độ tăng trưởng dệt may sang địa bàn này, trong bối cảnh đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như Bangladesh đang được hưởng ưu đãi về thuế quan nhập khẩu (GSP), việc làm “mềm hóa” hay thuận lợi hóa quy tắc xuất xứ trong CPTPP là rất cần thiết. Quan trọng là, cả Việt Nam và Canada không bị xung đột lợi ích trong vấn đề làm “mềm hóa” quy tắc xuất xứ này.
Điều này rất cần phía Vitas có kiến nghị đề xuất bằng văn bản gửi Bộ Công thương để bộ báo cáo Chính phủ, cũng như kiến nghị các đơn vị thuộc bộ làm việc với đối tác Canada tiến đến ký kết quy chế song phương hoặc đàm phán để thuận lợi hóa hơn nữa quy tắc xuất xứ hàng dệt may trong CPTPP.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh tiếp thị (marketing) xanh được cho là sẽ giúp các DN dệt may Việt đạt được lợi thế cạnh tranh về mặt đơn giá. Bởi vì nhận thức của khách hàng quốc tế về tính bền vững ngày càng tăng, marketing xanh vừa trở thành lợi thế cạnh tranh, vừa là thách thức để các DN thay đổi khi cơ hội dịch chuyển đơn hàng đang tới.
Để tăng lợi thế cạnh tranh XK cho dệt may Việt thông qua chiến lược marketing xanh thực chất hơn, Ts. Carol Tan (Đại học RMIT) có lời khuyên cho các DN bằng việc giảm thiểu tác động đến môi trường một cách hiệu quả hơn nữa. Đơn cử như việc giảm sản xuất thừa, tốt nhất là DN nên áp dụng mô hình sản xuất theo đơn đặt hàng, theo đó sản phẩm chỉ được sản xuất khi có khách hàng đặt hàng.
Hoặc như việc cải thiện nguồn cung ứng nguyên liệu. Theo Ts. Carol Tan, các DN Việt nên cải thiện nguồn nguyên liệu và chuyển sang các nguyên liệu bền vững hơn, chẳng hạn như sợi từ thực vật và cellulose tái tạo.
Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia của RMIT, các DN Việt cần tăng cường minh bạch hóa hơn về chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất của mình, cho phép người tiêu dùng quốc tế đưa ra lựa chọn sáng suốt hơn.
Thế Vinh