Kết thúc tháng 4/2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với trị giá xuất khẩu đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai với hơn 3,4 tỷ USD, tuy nhiên giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ ba là thị trường Hàn Quốc với trị giá xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Báo cáo từ HSBC cho biết, kể từ năm 2021, thị phần điện thoại thông minh của Việt Nam trên toàn cầu đã tăng đáng kể. Việt Nam hiện giành 13% thị phần, nhanh chóng vượt qua Ấn Độ để trở thành nước xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các sản phẩm điện tử sản xuất trong nước đa dạng về chủng loại, màu sắc, mẫu mã và có chất lượng tốt, đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới. Sự phát triển của ngành điện tử chủ yếu nhờ thu hút được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc và Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử.
Xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện trong tháng 5 đã thu hơn 4,4 tỷ USD, tăng 50,6% so với cùng kỳ. |
Sự gia tăng xuất khẩu điện thoại và linh kiện không thể tách rời khỏi sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam trong những năm gần đây. Việt Nam đã thu hút được nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Samsung, LG, Apple đến đầu tư và xây dựng nhà máy sản xuất. Điều này không chỉ giúp chuyển giao công nghệ tiên tiến mà còn nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Điển hình, sau 15 năm hiện diện, Samsung đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư tăng gấp gần 30 lần, lên tới khoảng 20 tỷ USD vào cuối năm 2022.
Gần đây nhất, Tập đoàn Samsung Electronics của Hàn Quốc đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2024. Tổng doanh thu toàn tập đoàn đạt 54,1 tỷ USD và lợi nhuận đạt 5,1 tỷ USD. Tại Việt Nam, tổng doanh thu của 4 nhà máy Samsung đạt khoảng 16,6 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước và tăng khoảng 2 tỷ USD so với quý 4/2023.
Hơn nữa, việc gia tăng xuất khẩu điện thoại và linh kiện cũng thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất chip, bảng mạch, và các linh kiện điện tử khác phát triển. Điều này tạo nên một hệ sinh thái công nghiệp điện tử hoàn chỉnh, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển bền vững.
Đột phá lớn trong xuất khẩu điện thoại và linh kiện là kết quả của những chiến lược phát triển dài hạn và chính sách hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam. Các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp công nghệ, cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp này phát triển.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng là một yếu tố quan trọng. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ vào R&D để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế, giúp các sản phẩm điện tử "Made in Vietnam" ngày càng được tin dùng và ưa chuộng trên toàn cầu.
Theo dự báo của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista, trong năm 2024, thị trường smartphone tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt 4 tỷ USD, mức tăng trưởng kép 1,45% trong giai đoạn từ năm 2024 đến 2028. Đến năm 2024, doanh số tiêu thụ smartphone tại Việt Nam sẽ đạt 21,4 triệu chiếc.
Lê Hồng