Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, hiện nay trên thế giới, giá nguyên vật liệu đang leo thang, chuỗi cung ứng đứt gãy có thể khiến các công ty sản xuất Việt Nam gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động xuất khẩu trong tương lai. Vì vậy, các doanh nghiệp phải linh hoạt thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh vĩ mô và vi mô.
Thị trường smartphone Việt Nam rất hấp dẫn
Đại diện hãng điện thoại Trung Quốc Xiaomi vừa cho biết các lô hàng điện thoại thông minh “Made in Vietnam” đã được bán đi khắp thế giới. Đây là thông tin khá bất ngờ vì điện thoại Xiaomi chủ yếu sản xuất tại Trung Quốc.
Việt Nam đã trở thành nơi sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung, chiếm tới 60% tổng lượng điện thoại bán ra của tập đoàn này trên toàn cầu. |
Đại diện của DBG Technology - ông Henry Wu cho biết, việc hợp tác sản xuất sản phẩm Xiaomi tại Việt Nam không chỉ tác động trực tiếp đến thị trường trong nước mà còn mở ra những cơ hội xuất khẩu các sản phẩm “Made in Vietnam” đến các thị trường quan trọng khác trong khu vực.
Mục tiêu này hoàn toàn có cơ sở, bởi theo thống kê của các công ty thị trường, người Việt có xu hướng chọn mua thiết bị công nghệ hiện đại, với chi tiêu trung bình cho đồ điện tử thuộc top đầu các nước trong khu vực.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nửa đầu năm, xuất khẩu điện thoại và linh kiện dẫn đầu nhóm xuất khẩu chủ lực, đạt 29,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ. Trong đó, các thị trường chủ lực, gồm: Mỹ đạt 6,61 tỷ USD, tăng 53,7%; Trung Quốc đạt trị giá 6,45 tỷ USD, tăng 16,6%; Hàn Quốc đạt 2,78 tỷ USD, tăng 29,8%... so với cùng kỳ năm trước.
Thống kê năm 2021 của GfK cho thấy, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng smartphone bán ra thị trường Việt Nam tăng trưởng tốt từ mức 15,7 triệu chiếc vào năm 2020 lên 16,8 triệu chiếc. Tỷ trọng smartphone với điện thoại cơ bản cũng lớn dần qua từng năm. Năm 2020, con số tương ứng là 71% và 29%, đến năm 2021 đã là 80% và 20%.
Số tiền chi mua một smartphone cũng tăng lên đáng kể, từ mức khoảng 257 USD (5,8 triệu đồng) năm 2017 lên mức 292 USD (6,6 triệu đồng).
"Người Việt thích nâng cấp smartphone có cấu hình cao hơn, hỗ trợ công nghệ mới như 5G và bộ nhớ lớn. Giá bán lẻ trung bình của smartphone có xu hướng tăng trong năm nay", đại diện GfK cho biết.
Thực tế, không chỉ có Samsung, Xiaomi, mà những dòng điện thoại có tên tuổi khác như: LG, Google, Lenovo, Sony, Nokia… cũng đã có nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Gần đây, không chỉ có "đại bàng" mà một số "đại bàng nhỏ" cũng đã có kế hoạch tăng vốn hoặc mở nhà máy sản xuất điện thoại tại Việt Nam.
Hãng tin Reuters mới đây cũng cho biết Pegatron - đối tác sản xuất iPhone cho Apple đang lên kế hoạch mở rộng nhà máy ở các nước khác bên ngoài thị trường Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
Việc Pegatron chọn Việt Nam là nơi sản xuất điện thoại iPhone là điều hoàn toàn khả thi. Bởi vì những dòng sản phẩm quan trọng của Apple như iPad, AirPods, MacBook… đã được sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu đi khắp thế giới.
Trong khi đó, cuối năm 2020, OPPO dự kiến xây dựng nhà máy ở Bắc Ninh khi tập đoàn công nghệ đến từ Trung Quốc này ký biên bản ghi nhớ (MOU) với Tổng công ty Đô thị Kinh Bắc về việc thuê đất ở Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh để xây dựng nhà máy. Lúc ấy, thông tin còn cho biết, nhà máy sẽ được khởi công vào đầu năm 2021, với vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD.
Tuy hiện tại, các kế hoạch đó chưa được triển khai, song việc OPPO muốn xây dựng nhà máy ở Việt Nam là có thật.
Phát huy lợi thế, giảm thiểu rủi ro
Theo nhận định của các chuyên gia, sở dĩ Việt Nam là nơi được nhiều "ông lớn" trong làng công nghệ “chọn mặt gửi vàng” là do thị trường Việt Nam được đánh giá còn nhiều tiềm năng. Bên cạnh đó, Việt Nam còn là một quốc gia có nguồn lao động dồi dào, độ tuổi còn trẻ và đặc biệt là chi phí khá thấp so với toàn thị trường lao động trên thế giới. Sự ổn định về chính trị cũng khiến Việt Nam trở thành một lựa chọn hấp dẫn hơn so với các quốc gia còn lại.
Một chuyên gia từng cho rằng, việc Xaomi chọn Việt Nam để sản xuất điện thoại thông minh vì hãng này đang chiếm thị phần điện thoại thứ hai tại thị trường gần 100 triệu dân. Chưa kể, Xaomi muốn tận dụng các lợi thế từ ưu đãi thuế, chi phí nhân công rẻ chỉ bằng 1/3 so với Trung Quốc. Đồng thời, lao động Việt Nam có kỹ năng tốt cũng như có vị trị sát bên cạnh thị trường Trung Quốc.
"Môi trường đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới vẫn là "bến đỗ" lâu dài của nhà đầu tư nước ngoài và có triển vọng tốt với các dự án mới".
Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT)
“Hiện nay, chi phí hậu cần tăng, giá vận chuyển của Xiaomi tăng dẫn đến tăng chi phí cuối cùng, do đó việc chuyển sản xuất sang Việt Nam sẽ giúp giảm chi phí và tăng tính khả dụng”, chuyên gia lý giải.
Hơn nữa, giới phân tích còn cho rằng Việt Nam đã và đang nâng cao được năng lực cạnh tranh và chứng minh khả năng vươn lên trong chuỗi cung ứng để trở thành trung tâm sản xuất quan trọng của ngành công nghiệp điện thoại toàn cầu. Trong khi đó, với điện thoại, việc thiết kế, bán hàng, phân phối đều nằm ở nước ngoài. Do đó, Việt Nam đã trở thành điểm đến sản xuất và lắp ráp chính của hầu hết nhà sản xuất điện thoại di động đẳng cấp thế giới.
Điển hình, hiện nay, Việt Nam đã trở thành nơi sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung, chiếm tới 60% tổng lượng điện thoại bán ra của tập đoàn này trên toàn cầu.
Tuy vậy, các chuyên gia lưu ý Việt Nam vẫn cần cảnh giác trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn do chiến sự Nga - Ukraine, giá xăng dầu đứng ở mức cao, nguyên vật liệu leo thang, đứt gãy chuỗi cung ứng… Đó là chưa kể Việt Nam còn thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề cao; cơ sở hạ tầng, logistics còn chưa thực sự phát triển.
Các chuyên gia lưu ý, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng khó có thể được giải quyết trong ngày một ngày hai. Do vậy, đứng trước những thách thức như hiện nay, doanh nghiệp Việt cần tìm kiếm thị trường nguyên liệu mới, kết nối với các chuỗi phụ trợ trong nước, đẩy mạnh xây dựng quy trình sản xuất tiến tới kinh tế tuần hoàn, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm sự phụ thuộc vào sự gián đoạn chung của thế giới.
Thanh Hoa