Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp này đạt 187,3 tỷ USD, tăng 14,3% (tương ứng tăng 23,44 tỷ USD) so với cùng kỳ. Trong khi đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 83,26 tỷ USD, tăng 17,8% (tương ứng tăng 12,57 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
![]() |
Biểu đồ trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ ngày 1-1-2022 đến 15-5-2022 và cùng kỳ năm 2021. |
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 5/2022 đạt 9,24 tỷ USD, giảm 30,1%, tương ứng giảm 3,97 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 4/2022.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 5-2022 đạt 9,24 tỷ USD, giảm 30,1%, tương ứng giảm 3,97 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 4-2022. Tính đến hết ngày 15-5, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp này đạt 98,8 tỷ USD, tăng 13,3%, tương ứng tăng 11,63 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,1% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 9,77 tỷ USD, giảm 3,3% (tương ứng giảm 331 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 4-2022. Tính đến hết ngày 15-5, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 88,5 tỷ USD, tăng 15,4% (tương ứng tăng 11,81 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 65,4% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Như vậy, ngược với tình trạng thâm hụt thương mại chung của cả nước (223 triệu USD), tính từ đầu năm đến 15/5, các doanh nghiệp FDI xuất siêu 10,3 tỷ USD.
Năm ngoái, xuất khẩu đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, khối doanh nghiệp FDI vẫn là trụ cột chính của xuất khẩu. Bộ Công thương đánh giá, dù xuất khẩu tăng mạnh nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI lại tăng lên so với những năm gần đây.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) đạt 247,5 tỷ USD tăng 21,1%, chiếm 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước ước đạt gần 89 tỷ USD, tăng 13,4%, thấp hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước (19%) và chỉ chiếm 26,4% kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm 2020 chiếm 27,7%).
Hiện nay, các doanh nghiệp FDI góp mặt trong toàn bộ các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó chiếm ưu thế rất lớn trong những nhóm hàng dẫn đầu như điện thoại, máy vi tính, máy móc, thậm chí cả những nhóm hàng trước đây vốn là ưu thế của doanh nghiệp trong nước như dệt may, giày dép…
Đức Anh