Cụ thể, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng 3 cũng tăng mạnh với mức tăng 36,1%, đạt hơn 6,33 tỷ USD. Lũy kế trong quý 1, mặt hàng này đã thu về hơn 16,33 tỷ USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2023, quay trở lại là mặt hàng có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam.
Sau hai năm đầy thách thức, thị trường máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam đang trải qua một giai đoạn hồi phục mạnh mẽ. |
Xét về thị trường, các thị trường chủ đạo của máy vi tính đều đang tăng mạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt hơn 5,03 tỷ USD, tăng 41,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc đứng thứ 2 với 3,1 tỷ USD, tăng 29% và Hong Kong (Trung Quốc) đứng thứ 3 với 2,01 tỷ USD, tăng mạnh 104%.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 có thể tăng trên 6% so với năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục đạt xuất siêu.
Năm 2023, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 57,34 tỷ USD, tăng 3,2% (tương ứng tăng 1,8 tỷ USD) so với năm trước.
Trong khi đó, điện thoại các loại và linh kiện đứng thứ hai với 52,38 tỷ USD, giảm 9,7% (tương ứng giảm 5,61 tỷ USD) so với năm trước.
Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm khai thông thị trường xuất khẩu; trong đó, có những thành tích lớn về công tác đàm phán, mở cửa thị trường.
Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường này, vấn đề cần chú trọng là phát triển được nguồn hàng cho xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng và bảo đảm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế quan theo các hiệp định.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt được cơ hội, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để được hưởng nhiều lợi ích từ thuế suất thấp, từ cơ chế hỗ trợ giữa các thành viên ký kết FTA, thông qua việc gỡ bỏ rào cản phi thuế quan.
Lê Hồng