Xiaomi sẽ chi 1,5 tỷ USD cho trí tuệ nhân tạo và thiết bị thông minh |
“Khoản đầu tư là một phần trong chiến lược của doanh nghiệp có trụ sở ở Bắc Kinh, nhằm thu nhiều doanh thu hơn từ các dịch vụ giá trị cao và Internet vạn vật (IoT)”, nhà sáng lập kiêm CEO Xiaomi - ông Lei Jun, cho hay.
Công ty đang tập trung vào việc đẩy mạnh thị trường cao cấp và mở rộng sang châu Âu. Ông Lei không nói rõ lý do vì sao Xiaomi tránh Mỹ, thị trường được nhận định là đầy hứa hẹn cho hãng nhưng hiện ngày càng khó khăn hơn với các doanh nghiệp Trung Quốc.
“Giờ là lúc để hành động. Chúng tôi tham gia mạnh vào IoT”, ông Lei nói, đề cập đến sự kết hợp giữa AI và hệ sinh thái các thiết bị được kết nối Internet vạn vật. Hãng Trung Quốc đang tìm cách đa dạng hóa doanh thu trong bối cảnh nhu cầu smartphone toàn cầu chững lại. Dù vậy, công ty vẫn kỳ vọng vào thế hệ mạng di động kế tiếp là 5G.
Ông Lei cho rằng 5G sẽ không chỉ hồi sinh nhu cầu smartphone mà cả nhu cầu dịch vụ internet mà Xiaomi đang cung cấp. Hãng hiện điều hành nhiều mảng kinh doanh, từ nhạc cho đến phim online, phục vụ 220 triệu người dùng.
Gần đây, CLSA hạ 15% dự báo lô hàng smartphone Xiaomi xuống còn 135 triệu chiếc trong năm 2019, ít hơn Huawei song nhiều hơn các đối thủ Trung Quốc như Oppo.
“Tỷ lệ thâm nhập điện thoại thông minh là cực kỳ cao ở Trung Quốc. Song tôi nghĩ chúng ta đang ở trước thềm 5G. Tôi tin rằng khi điện thoại 5G bắt đầu trở nên phổ biến, nhu cầu tổng thể từ Trung Quốc sẽ phục hồi”, ông Lei cho biết.
Xiaomi Corp mới thông báo lợi nhuận ròng quý IV/2018 của họ đã tăng hơn 3 lần, lên 1,85 tỷ NDT (275,59 triệu USD), nhờ doanh thu cao. Theo công ty dữ liệu thị trường Refinitiv, con số trên cao hơn mức ước tính trung bình 1,7 tỷ NDT của 10 nhà phân tích đưa ra trước đó.
Doanh thu của Xiaomi trong thời gian trên tăng 27% lên 44,4 tỷ NDT. Những kết quả trên cho thấy Xiaomi đang thích ứng khá tốt với thị trường smartphone Trung Quốc đang tăng chậm lại, qua việc tăng cường chú trọng vào các thị trường như Ấn Độ và châu Âu.
Lê Minh