Sự ra đời của các ngân hàng kỹ thuật số ở Hong Kong trong vòng từ 6 đến 9 tháng tới có phần chậm trễ hơn so với các quốc gia khác như Ấn Độ, Hàn Quốc và nhiều nước châu Âu.
Đứng sau lưng những startup này là các đại gia đã có tên tuổi như Bank of China Hong Kong và Standard Chartered, các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc như Tencent hay Ant Financial, cùng với một số startup trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech).
Ảnh hưởng tỷ suất lợi nhuận
Ronit Ghose - chuyên gia phân tích tại Citi, cho rằng lĩnh vực ngân hàng bán lẻ ở Hong Kong là siêu lợi nhuận và HSBC - với tư cách là ngân hàng mạnh nhất, thu được lợi nhuận khổng lồ. "Chúng tôi cho rằng các ngân hàng ảo mới xuất hiện là mối đe dọa lớn đối với lợi nhuận của HSBC trong trung và dài hạn", chuyên gia này nhận định.
Trong khi đó, HKMA không kỳ vọng các ngân hàng ảo sẽ sớm giành được miếng to của "chiếc bánh" tiền gửi từ tay HSBC, hoặc các ngân hàng đã có thâm niên khác. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận của HSBC có thể bị ảnh hưởng, nếu ngân hàng buộc phải cắt giảm phí dịch vụ hoặc đưa ra lãi suất hấp dẫn hơn cho người gửi tiền, nhằm cạnh tranh với các đối thủ non trẻ.
Thời gian gần đây, HSBC bắt đầu miễn phí dịch vụ hàng tháng cho khách hàng có tiền gửi dưới 5.000 đô la Hong Kong (tương đương 15 triệu đồng), trong khi số lượng khách hàng như vậy ở Hong Kong lên tới 3 triệu người. Ngân hàng này còn miễn luôn một số loại phí liên quan như phí giao dịch tại quầy.
Hoạt động bán lẻ của HSBC tại Hong Kong cho đến nay vẫn là hoạt động kinh doanh sinh lời nhất. Goldman Sachs ước tính HSBC và Hang Seng duy trì được tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu lần lượt là 21% và 24% trong mảng bán lẻ, tức là hơn hai lần so với kết quả chung của toàn ngân hàng.
Goldman Sachs ước tính khoảng 4,8 tỷ USD, tương đương 17% doanh thu của HSBC ở châu Á, sẽ chịu tác động từ sự xuất hiện của các ngân hàng kỹ thuật số.
Ông Ghose cho rằng HSBC sẽ phải tăng cường đầu tư công nghệ để cố gắng bắt kịp với những công ty như Ant Financial và Tencent, vốn rất mạnh trong khoản liên tục tự đổi mới.
Kevin Martin - Giám đốc bán lẻ HSBC ở châu Á, thừa nhận ngân hàng nhận thức được thách thức từ các đối thủ cạnh tranh mới và đã cố gắng cải thiện các dịch vụ online.
![]() |
HSBC là ngân hàng mạnh nhất trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ ở Hồng Kông |
Ồ ạt triển khai dịch vụ ảo
Cụ thể, năm 2017, ngân hàng đã cho ra mắt PayMe, một loại ví kỹ thuật số cho phép người tiêu dùng Hong Kong chuyển trực tiếp cho nhau những món tiền nhỏ. Dịch vụ này hiện có hơn 1,5 triệu người dùng và được xem như một động thái đối phó với Ant Financial và Tencent trước khi hai "gã khổng lồ" này thôn tính được thị trường thanh toán Hong Kong, giống như đã xảy ra ở Trung Quốc đại lục.
Trong khi đó, cả Ant Financial và Tencent đều đã triển khai dịch vụ Alipay và WeChat Pay ở Hong Kong để cung cấp dịch vụ thanh toán của bên thứ ba. Liên doanh của AliPay tại Hong Kong đã bắt tay với CK Hutchison Holdings của tỷ phú Li Ka-shing vào tháng 3/2018 và đến quý đầu tiên của năm nay đã đón nhận 50.000 doanh nghiệp và hơn 2 triệu cá nhân đăng ký sử dụng. Tencent thì ra mắt WeChat Pay HK vào đầu năm 2016.
Một số đối thủ lâu năm của HSBC cũng quyết định nhảy vào lĩnh vực ngân hàng ảo. StanChart hợp tác với Hong Kong Telecom và đại lý du lịch trực tuyến Ctrip; Bank of China hợp tác với tập đoàn Jardine và công ty con của tập đoàn thương mại điện tử JD.com.
Một phần đáng kể lợi nhuận StanChart đến từ dịch vụ ngân hàng bán lẻ ở Hong Kong khi mảng hoạt động này mang về 740 triệu USD lợi nhuận trước thuế trong năm ngoái, tương đương 30% toàn ngân hàng.
Tuy nhiên, khách hàng ruột của ngân hàng này chủ yếu là những người giàu có lớn tuổi, đồng nghĩa với việc dịch vụ ngân hàng ảo có thể đón nhận đối tượng khách hàng mới trẻ trung mà không trùng lặp cơ sở khách hàng hiện tại.
Hải Châu