Ràng buộc nhiều, thời hạn được cấp phép chỉ có 15 tháng, nhưng đây vẫn có thể coi là một thành công với Uber.
Thay đổi để tồn tại
Trước đó, Uber đã phải thay đổi nhiều chính sách nội bộ và công tác nhân sự tại Anh sau khi Sở Giao thông London (TfL) từ chối gia hạn giấy phép hoạt động của công ty vào tháng 9/2017, vì không báo cáo kịp thời các trường hợp phạm tội nghiêm trọng và tắc trách trong khâu kiểm tra lý lịch tài xế.
Uber phải đưa ra một chiến lược rất chi tiết, trong đó có nhận lỗi công khai, thay đổi cơ cấu quản trị, sửa chữa phần mềm, bảo đảm an toàn hơn nữa cho hành khách, ngoại giao chính trị để "lấy lòng" thành phố...
Tháng 1/2018, Uber thậm chí còn yêu cầu tài xế phải nghỉ giải lao sau mỗi 10 giờ làm việc để tránh tình trạng tài xế quá tham công tiếc việc, vừa khiến cơ thể mệt mỏi, vừa không tỉnh táo lái xe. Đến tháng 2, công ty thành lập các "tổ tư vấn lái xe" để từng nhóm nhỏ tài xế gặp nhau hàng tuần và cùng trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề mà họ vướng mắc, qua đó kịp thời báo cáo cho lãnh đạo của Uber để có hướng xử lý.
Ngay sau đó, Uber tiếp tục thực hiện một số thay đổi quan trọng, như mở đường dây nóng 24/24 hỗ trợ tất cả lái xe và khách hàng, cam kết làm việc chặt chẽ hơn với cảnh sát và sẽ báo cáo trực tiếp bất kỳ sự cố nghiêm trọng nào xảy ra trong hành trình của hành khách. Uber khẳng định sẽ chia sẻ với khách hàng về thông tin giấy phép lái xe của tài xế.
Gần đây, Uber tung ra một gói bảo hiểm tài chính cho các tài xế ở Anh và các thị trường khác ở châu Âu nhằm giúp họ bù đắp những khoản thu nhập bị mất đi khi ốm đau, thương tật… miễn là họ thực hiện xong 150 "cuốc xe" trong 8 tuần, trước khi có yêu cầu bồi thường.
Những thay đổi đáng ghi nhận này đã giúp Uber "ghi điểm" và được tòa án đồng ý cấp phép tạm thời 15 tháng để tiếp tục hoạt động, kèm theo nhiều điều kiện để TfL giám sát và can thiệp trong trường hợp Uber không tuân thủ đầy đủ.
Một số điều kiện mà Uber phải đáp ứng bao gồm thay đổi cấu trúc quản trị, thông báo cho TfL về hoạt động của Uber trong các khu vực khác mà có thể gây ra khúc mắc nào đó, báo cáo đầy đủ khiếu nại của khách hàng về tính an toàn và có báo cáo kiểm toán độc lập 6 tháng 1 lần.
Việc Uber tiếp tục được hiện diện tại London là thông tin không lấy gì làm vui vẻ với cánh tài xế taxi truyền thống, những người trước đây đã chặn đường phố ở London để phản đối ứng dụng này. |
Hay chỉ là màn diễn?
Ràng buộc nhiều là thế, thời hạn được cấp phép chỉ có 15 tháng, nhưng đây vẫn có thể coi là một thành công với Uber. Điều quan trọng là công ty này được quyền tiếp tục hoạt động tại London, nơi có 45.000 tài xế đang tham gia dịch vụ và cũng là địa bàn trung tâm tại châu Âu - thị trường lớn nhất của Uber.
Còn nhớ, năm 2017, Uber đã phản ứng rất mạnh trước quyết định của TfL về việc phải rời khỏi London. Nhưng chỉ một tháng sau, Giám đốc điều hành Dara Khosrowshahi lại đích thân gửi lời xin lỗi đến TfL. Thậm chí, tại phiên điều trần trước tòa, lãnh đạo công ty này còn thừa nhận TfL đã đúng và vui vẻ chấp nhận giấy phép tạm thời 15 tháng.
Chính vì thế mà xuất hiện một số ý kiến cho rằng Uber đang khéo léo nhẫn nhịn, tỏ vẻ "hối cải" để dần dần đạt được mục đích. Dù sao thì Tây Âu cũng là thị trường ngày càng quan trọng đối với Uber sau khi đã rút khỏi Trung Quốc, Nga và Đông Nam Á, còn tương lai ở Ấn Độ vẫn bấp bênh trước sức cạnh tranh khốc liệt của đối thủ bản địa Ola. Nếu thực tâm muốn thay đổi, đáng lẽ ra Uber đã phải chủ động làm việc nhiều hơn với các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, việc Uber tiếp tục được hiện diện tại London là thông tin không lấy gì làm vui vẻ với cánh tài xế taxi truyền thống, những người trước đây đã chặn đường phố ở London để phản đối ứng dụng này.
Hải Châu