Còn nhớ, trong năm 2017, tình hình khói bụi tồi tệ ở miền bắc đã làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh chính trị của Trung Quốc tại các sự kiện quan trọng.
Trung Quốc đang ở năm thứ năm trong “cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường” kể từ khi nền kinh tế mở cửa vào năm 1978. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng hứa sẽ huy động toàn bộ sức mạnh của Đảng Cộng sản để hoàn thành những mục tiêu đã đề ra.
Mở rộng địa bàn “cuộc chiến”
Kế hoạch hành động 2018 - 2020 mà nước này vừa chính thức công bố trên cổng thông tin điện tử của chính phủ sẽ tiếp tục mở rộng địa bàn “cuộc chiến” tới 82 thành phố, đồng thời đưa vào diện kiểm soát đặc biệt một số địa phương chuyên sản xuất than như Sơn Tây và Thiểm Tây, hay những vùng công nghiệp hóa mạnh ở miền trung Trung Quốc (như Hà Nam), cũng như đồng bằng sông Dương Tử, bao gồm các tỉnh An Huy, Chiết Giang, Giang Tô và khu vực xung quanh Thượng Hải.
Mục tiêu của Trung Quốc là giảm phát thải các chất gây ô nhiễm không khí và khí nhà kính, giảm đáng kể mật độ PM 2.5 (hạt siêu bụi - chất dạng rắn có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet) và giảm số ngày ô nhiễm nghiêm trọng.
Đến năm 2020, lượng khí thải sulfur dioxide và nitơ oxit phải giảm ít nhất 15% so với năm 2015. Trong khi các thành phố có tiêu chuẩn chất lượng không khí thấp giảm được ít nhất 18% mật độ PM 2,5. Tỷ lệ ngày có chất lượng không khí tốt cần đạt 80% mỗi năm và tỷ lệ ngày bị ô nhiễm nặng cần giảm tối thiểu 25% so với năm 2015 tại các thành phố cấp tỉnh trở lên.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, các khu vực Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Đông và Hà Nam sẽ phải cắt giảm 10% lượng than tiêu thụ, trong khi khu vực đồng bằng sông Dương Tử sẽ phải cắt giảm 5%.
Những khu vực trên cũng không được xây dựng thêm nhà máy sản xuất thép, than cốc và nhôm từ này đến năm 2020. Năng lực sản xuất thép tại Hà Bắc, địa phương dẫn đầu cả nước về hoạt động này, sẽ bị giới hạn ở mức 200 triệu tấn vào năm 2020, tức là giảm đáng kể so với trần 286 triệu tấn vào năm 2013.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc kêu gọi các địa phương rà soát cơ cấu công nghiệp và thúc đẩy phát triển xanh, cải thiện cơ cấu năng lượng theo hướng xây dựng một hệ thống năng lượng sạch và hiệu quả, điều chỉnh hệ thống giao thông để thúc đẩy giao thông xanh và tăng cường quản lý ô nhiễm bằng cách tối ưu hóa các hệ thống có sử dụng đất.
![]() |
Tình hình khói bụi tồi tệ đã làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Trung Quốc |
Huy động cả sức dân
Trung Quốc cũng dự kiến triển khai nhiều hành động hơn để giải quyết các nguồn ô nhiễm quy mô nhỏ đang nằm rải rác ở các địa bàn, tiến tới cắt điện, cắt nước và không cung cấp nguyên liệu thô cho những doanh nghiệp nào vi phạm quy định.
Còn nhớ, trong năm 2017, trước tình hình khói bụi tồi tệ ở miền bắc làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh quốc gia tại các sự kiện quan trọng, Trung Quốc đã ra quyết định hạn chế lưu lượng giao thông và giảm sử dụng than, đồng thời áp dụng những điều kiện khắt khe hơn đối với các ngành thép, nhôm và xi măng tại 28 thành phố phía bắc, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2017 đến tháng 3/2018.
Trong thời gian tới, một số biện pháp đặc biệt chống ô nhiễm khói bụi sẽ được chính phủ Trung Quốc triển khai. Song, mỗi địa phương trong số 82 thành phố nằm trong kế hoạch 2018 - 2020 được yêu cầu phải xây dựng phương án riêng, chủ động nâng cao năng lực và tăng cường thực thi pháp luật, phân công trách nhiệm rõ ràng, phối hợp phòng ngừa và kiểm soát để đối phó với những ngày bị ô nhiễm nặng nề, và huy động sức dân trong công cuộc bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, quốc gia đông dân nhất thế giới cũng sẽ tăng khả năng lưu trữ khí đốt để bảo đảm đủ nguồn cung cho mùa đông giá rét; đồng thời đặt mục tiêu sản xuất và kinh doanh các loại xe sử dụng các nguồn năng lượng thay thế khoảng 2 triệu xe mỗi năm vào năm 2020 nhằm giảm lượng khí thải đường bộ.
Hải Châu