Một hiệp định thương mại với Trung Quốc, nếu trở thành hiện thực, sẽ có ý nghĩa chính trị quan trọng cho chính phủ Anh hiện nay, nhưng quá trình đàm phán chính thức sẽ không thể bắt đầu cho đến khi Anh chính thức rời khỏi EU vào năm tới.
Thời gian qua, Trung Quốc tỏ ra chủ động trong việc tìm kiếm đồng minh để đối đầu với Mỹ thông qua các cuộc tiếp xúc với nhiều nước châu Âu. Trong khi đó, Anh cũng phát đi một thông điệp rõ ràng rằng họ hoàn toàn mở cửa cho các doanh nghiệp Trung Quốc vào làm ăn khi mà ngày chia tay Liên minh châu Âu (EU) đang đến rất gần.
Với quy mô thị trường khổng lồ của mình, Trung Quốc được đánh giá là một trong những đối tác mà nước Anh mong muốn ký thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit.
Kết thêm đồng minh
Phát biểu trước giới báo chí tại Bắc Kinh sau khi gặp Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Vương Nghị cho biết cả hai nước đã đồng ý đẩy mạnh thương mại và đầu tư song phương.
Trong khi đó, ông Hunt chia sẻ rằng ông Vương đã đề nghị “tổ chức các cuộc thảo luận về khả năng xây dựng một hiệp định thương mại tự do giữa Anh và Trung Quốc sau khi hoàn tất Brexit”.“Chúng tôi rất hoan nghênh ý tưởng này và sẽ nghiên cứu thêm”, ông Hunt nói.
Ông Vương khi phát biểu đã không đề cập trực tiếp đến lời đề xuất đàm phán, nhưng cho biết cả hai nước “đồng ý chủ động tham gia vào chiến lược phát triển của nhau và mở rộng quy mô thương mại và đầu tư song phương”.
Ông cũng bổ sung rằng Trung Quốc và Anh cần tiếp tục lên tiếng phản đối chủ nghĩa bảo hộ và duy trì thương mại tự do toàn cầu.
Trong cuộc họp báo, ông Vương một lần nữa chỉ trích Washington về sự cứng nhắc trong lập trường và cả việc cố ý “nâng cao quan điểm” rằng chỉ có Mỹ là nạn nhân trong tranh chấp thương mại giữa hai nước.
“Trách nhiệm gây mất cân bằng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ không nằm ở phía Trung Quốc”, ông Vương khẳng định. Ông đưa ra nhiều lý do để ám chỉ Mỹ mới là nguồn cơn của mọi rắc rối hiện nay, trong đó nhấn mạnh vai trò quốc tế của đồng USD, lãi suất tiết kiệm thấp của Mỹ, mức tiêu thụ khổng lồ của Mỹ và các hạn chế của Mỹ về xuất khẩu công nghệ cao.
Với quy mô thị trường khổng lồ của mình, Trung Quốc được đánh giá là một trong những đối tác mà nước Anh mong muốn ký thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit |
Căng thẳng thương mại Trung-Mỹ
Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc còn cho rằng Mỹ đã hưởng lợi rất nhiều từ thương mại với Trung Quốc, đó là người tiêu dùng Mỹ mua được hàng giá rẻ, còn doanh nghiệp Mỹ có cơ hội làm ăn tốt ở thị trường đông dân nhất thế giới.
Trung Quốc và Mỹ tưởng như đã tránh được một cuộc chiến thương mại từ hồi tháng Năm, với việc Trung Quốc đồng ý mua thêm các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng của Mỹ.
Nhưng thỏa thuận này cuối cùng lại đổ bể và từ đó hai bên cứ thế “ra sức” đánh thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của nhau, kèm theo những lời cảnh báo tăng dần mức độ nghiêm trọng.
Ông Vương cho biết căng thẳng hiện tại là do Mỹ khơi mào và cả hai nên giải quyết các vấn đề tồn tại theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chứ không phải theo luật pháp Mỹ.
“Trung Quốc không muốn rơi vào một cuộc chiến thương mại, nhưng khi đối mặt với thái độ hiếu chiến và những hành vi vi phạm từ Mỹ, chúng tôi không thể không có biện pháp đáp trả… Trung Quốc luôn sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán, nhưng các cuộc đối thoại cần phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau theo đúng quy định… Bất kỳ lời đe dọa và gây áp lực đơn phương nào cũng sẽ phản tác dụng,” ông Vương nói.
Trung Quốc cũng kêu gọi các nước khác đứng về phía mình để cổ vũ thương mại tự do và thương mại đa phương.
EU có vẻ không muốn dính vào cuộc “long tranh hổ đấu” này nên khéo léo né tránh. Và trên thực tế, nhiều nước châu Âu, giống như Mỹ, cũng phàn nàn về mức độ mở cửa thị trường của Trung Quốc.
Hải Châu