Các ngân hàng còn được yêu cầu hỗ trợ chi phí tín dụng và linh hoạt hơn trong xử lý nợ xấu đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Cụ thể, tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) sẽ được điều chỉnh giảm 1% kể từ ngày 15/10. Hiện nay, Trung Quốc đang áp dụng mức 15,5% đối với các ngân hàng thương mại lớn và 13,5% đối với các ngân hàng nhỏ hơn. Hiệu quả của động thái trên là khoảng 750 tỷ Nhân dân tệ (NDT), tương đương 109,2 tỷ USD tiền mặt sẽ được bơm vào hệ thống ngân hàng.
Dư địa còn "xông xênh"
Đây là lần thứ tư PBOC giảm RRR trong năm 2018, đúng vào giai đoạn Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư nhiều tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng để kéo lại nền kinh tế đang có dấu hiệu nguội lạnh, còn tăng trưởng đầu tư thì rơi xuống thấp kỷ lục.
Trong năm nay, đồng NDT đã phải đối mặt với áp lực bán mạnh, mất hơn 8% giá trị trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 8.
Không những vậy, xuất khẩu suy yếu đã kéo tăng trưởng của Trung Quốc trong nửa đầu năm đi xuống, đòi hỏi phải có biện pháp duy trì lực cầu trong nước đề phòng trường hợp Mỹ tiếp tục đưa ra những chính sách thuế quan mới.
Thông qua lần cắt giảm RRR này, Bắc Kinh muốn hỗ trợ mạnh hơn khả năng thanh khoản của hệ thống tài chính, xoa dịu những lo ngại về nguy cơ "chảy máu" vốn, thúc đẩy tín dụng xã hội, nhờ đó đối phó tốt hơn với áp lực từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
PBOC cũng cho biết sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định kỳ vọng thị trường, đồng thời duy trì chính sách tiền tệ thận trọng và trung lập; việc cắt giảm RRR sẽ không tạo ra áp lực phá giá đồng NDT, cũng như giữ ổn định thị trường ngoại hối.
Theo nhận định của một số chuyên gia, quyết định của PBOC không chỉ "rất kịp thời", mà còn đủ về mức độ để giúp tăng cường lòng tin vào nền kinh tế. Dư địa giảm RRR được cho là vẫn còn khá "xông xênh" trong trường hợp cần giảm tiếp 1% từ nay đến cuối năm.
Đây là lần thứ tư PBOC giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong năm 2018 |
Đau đầu vì Mỹ
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang cân nhắc áp dụng chính sách tài khóa chủ động hơn nhằm bảo đảm tăng trưởng kinh tế, bao gồm giảm thuế trên quy mô lớn với ước tính trên 1,3 nghìn tỷ NDT.
Ở một khía cạnh khác, việc cắt giảm RRR lại cho thấy PBOC có những lo lắng nhất định về tác động của "cú sốc bên ngoài" tới thị trường, mà cụ thể ở đây là áp lực "vỗ mặt" từ phía Mỹ.
Thứ Năm tuần trước (4/10), Washington cáo buộc Trung Quốc cố tình làm giảm uy tín Tổng thống Mỹ Donald Trump trước thềm cuộc bầu cử quốc hội, cũng như có các hành động quân sự khiêu khích ở Biển Đông.
Việc Mỹ tấn công Trung Quốc một cách công khai và quyết liệt hơn, không chỉ dừng lại ở mặt trận thương mại, cũng tác động rất nhiều tới yếu tố tâm lý thị trường và làm tăng thêm lo ngại về triển vọng nền kinh tế Trung Quốc.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm nhẹ xuống 6,7% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái, dù vẫn cao hơn mục tiêu 6,5% cả năm. Ngoài ra, một số chỉ tiêu chính cũng đã suy yếu mạnh.
Đầu tư tài sản cố định đang tăng chậm chưa từng thấy, trong khi các khoản nợ xấu tăng mạnh trong quý II và nhiều doanh nghiệp phá sản hơn. Tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc tháng 7 cũng tăng lên 5,1%.
Các công ty nhỏ thì gặp khó khăn khi đi vay, mà vay được rồi thì lại đau đầu vì áp lực chi phí tín dụng và chi phí hoạt động tăng cao. Hệ thống ngân hàng "ngầm", bao gồm các tổ chức phi ngân hàng chuyên cho vay giá rẻ - cứu tinh của nhiều doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh, lại bị chính quyền rà soát gắt gao thời gian qua.
Trước tình hình đó, cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ chi phí tín dụng cho các công ty nhỏ và linh hoạt hơn trong xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Hải Châu