Trung Quốc bất ngờ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại |
Đó là một động thái mang tính đột phá, nhằm đạt được nhiều mục tiêu - ngay cả khi quyết định này của PBoC đã khiến cho không ít người ngạc nhiên. Chi phí tài trợ đã giảm xuống đối với các ngân hàng nhỏ, vốn đang gặp nhiều khó khăn, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang nỗ lực hạn chế rủi ro nợ; đồng thời giải phóng tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ vốn cũng đang phải vật lộn để tiếp cận các khoản vay ngân hàng.
Bằng cách làm cho các ngân hàng nhỏ cho vay dễ dàng hơn, việc siết chặt hoạt động ngân hàng ngầm cũng được duy trì.
Trong khi mục đích của chính sách là đạt được một lượng thanh khoản ròng chỉ khoảng 400 tỷ NDT (64 tỷ USD), động thái này cũng hóa giải những lo ngại về sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách tiền tệ.
“Nguy cơ thường trực là thị trường sẽ giải thích việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc như một tín hiệu nới lỏng. Họ (PBoC) biết rủi ro có thể bị hiểu sai, nhưng vẫn quyết định tiến lên phía trước. Động thái này cho thấy các nhà lãnh đạo mới của PBOC có can đảm làm điều đúng đắn”, Larry Hu - Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc của công ty Chứng khoán Macquarie ở Hồng Kông, cho biết.
Theo đó, động thái này sẽ giải phóng 1,3 nghìn tỷ NDT thanh khoản, nhưng 900 tỷ NDT được sử dụng để thanh toán cho các khoản vay ngân hàng trung ương thông qua công cụ cho vay trung hạn MLF. Tuy nhiên, việc thay thế tiền mặt từ MLF bằng quỹ dự trữ bắt buộc đã giúp cho các ngân hàng sẽ tiết kiệm khoảng 80 tỷ NDT chi phí tài chính, theo ước tính của Shen Jianguang - Trưởng bộ phận kinh tế châu Á của Mizuho có trụ sở ở Hồng Kông.
Lê Minh