Bắc Kinh đã giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp nhà nước, chính quyền địa phương và thậm chí là cả các trường đại học phải tham gia giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP ở những vùng xa xôi hẻo lánh còn nhiều khó khăn.
Kế hoạch sử dụng 40 tỷ USD để tăng thu nhập cho 30 triệu người dân đang có mức thu nhập dưới 20.000 Nhân dân tệ mỗi ngày là một phần trong quyết tâm của Trung Quốc nhằm đáp ứng các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc.
Bội thực khoai tây
Đối với các trường đại học, thu mua nông sản từ các địa phương nghèo tưởng chừng là một việc hết sức đơn giản, nhưng mua xong rồi, họ lại đau đầu không biết phải làm gì với số hàng hóa đang chất đống.
Chính phủ Trung Quốc khuyến khích nông dân ở các khu vực đất đai khô cằn, như huyện Mỹ Cô ở tỉnh Tứ Xuyên, lựa chọn khoai tây để canh tác cho phù hợp. Tuy nhiên, nhu cầu thị trường thực tế đối với loại nông sản này lại không lớn, nhất là với văn hóa ăn cơm của người Trung Quốc.
Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam cùng một số đơn vị khác ở Thành Đô đã nhiệt tình ký hợp đồng đến tận cuối năm 2020, theo đó cứ vài ngày, nông dân sẽ chuyển đến 5 tấn khoai tây từ Mỹ Cô (cách thành phố 400 km về phía Tây Nam).
Kết quả là bếp ăn tại Đại học Tây Nam tràn ngập khoai. Nhà trường phải đề ra giải pháp là tổ chức một “chiến dịch” ăn khoai tây cả tuần vào tháng 11, với thực đơn tận dụng tối đa nguyên liệu này: Từ khoai tây chiên, thịt bò xào khoai tây, cho đến miến làm từ khoai tây. Với nỗ lực của cả người nấu lẫn người ăn, cuối cùng thì 6,5 tấn khoai tây cũng được tiêu thụ hết trong 5 ngày.
Điều đáng nói là theo thông tin từ một số đại lý nông sản ở Mỹ Cô, các trường đại học tại Thành Đô phải mua khoai với giá cao hơn giá thị trường. Đại diện công ty Longtou cho biết công ty này mua khoai tây từ nông dân với giá 1,6 Nhân dân tệ/kg (khoảng 5.400 đồng).
Trước đó, một số nhà máy chế biến khoai tây ở Mỹ Cô từng nhập khoai với giá 0,8 USD/ kg, nhưng bây giờ đã phá sản vì không thể kiếm được khoai tây giá rẻ nữa.
Hầu như không còn rừng tự nhiên vì bị khai thác bừa bãi vào những năm 90, Mỹ Cô và các huyện lân cận đã đề xuất Ngân hàng Thế giới hỗ trợ phát triển nông nghiệp với quy mô công nghiệp, bao gồm cả sản xuất khoai tây, nhưng có vẻ như không tính toán kỹ bài toán đầu ra. Tuy nhiên, đại diện chính quyền Mỹ Cô vẫn ca ngợi chính sách khuyến khích khoai tây là góp phần làm tăng năng suất nông nghiệp.
![]() |
Nông dân Mỹ Cô được khuyến khích trồng khoai tây ồ ạt |
Lợi ích cho địa phương
Với việc nông dân được khuyến khích sản xuất ồ ạt như mô hình trồng khoai tây ở Mỹ Cô, việc tìm được đối tác bao tiêu có ý nghĩa rất quan trọng, nếu không muốn đẩy gánh nặng sang phía tiêu dùng.
Một doanh nghiệp nhà nước ở Bắc Kinh đã yêu cầu mỗi nhân viên mua ít nhất 20kg khoai tây từ một ngôi làng ở biên giới với Mông Cổ.
Các giáo viên ở một huyện tại Tế Nam - thủ phủ của tỉnh Sơn Đông, thì phải mua ít nhất 2 hộp cam được sản xuất tại Hồ Nam, cách đó khoảng 1.000 km.
Nhiều người đã lên tiếng ca cẩm vì thu nhập mới chỉ đủ trang trải nhu cầu sinh hoạt cơ bản mà vẫn phải giải cứu quả cam.
Tuy nhiên, động lực xóa đói giảm nghèo của Trung Quốc không phải chỉ dừng lại ở mỗi việc tiêu thụ nông sản càng nhiều càng tốt. Các địa phương có thể thu hút hàng tỷ Nhân dân tệ từ đầu tư dự án của các doanh nghiệp trong cả khu vực công và khu vực tư thông qua chính sách thuế hấp dẫn.
Doanh nghiệp nước ngoài cũng được chính phủ Trung Quốc mời gọi đầu tư vào các khu vực nghèo thông qua nhiều cơ chế ưu đãi.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của doanh nghiệp cũng mang đến những giá trị mới cho địa phương, ví dụ như tập đoàn bất động sản Wanda xây dựng hẳn một ngôi làng du lịch ở Quý Châu, nơi du khách quốc tế có thể nộp đơn xin làm thị trưởng trong vòng… 1 tuần.
Hải Châu