Thỏa thuận giữa Airbus và bên mua là công ty Hàng không Trung Quốc - một “gương mặt thân quen” thường xuyên ký kết các hợp đồng đình đám nhân các chuyến viếng thăm ngoại giao của lãnh đạo Trung Quốc.
Thời thế của Airbus
Thỏa thuận được công bố tại Paris bao gồm cả phiên bản Neo (động cơ mới) và CEO (phiên bản truyền thống) của các dòng máy bay A319, A320 và A321, trong đó phần lớn vẫn sẽ là A320neos và A321neos. Trung Quốc thường đặt mua máy bay theo lô lớn và sau đó phân bổ lại cho các hãng hàng không trong nước.
Các quan chức Pháp cho biết thỏa thuận này trị giá khoảng 30 tỷ euro theo giá niêm yết. Thông thường, các nhà sản xuất máy bay áp dụng nhiều chính sách chiết khấu rất ưu đãi. Mẫu máy bay A320neo mới nhất có giá niêm yết 110,6 triệu USD và A350-900 được bán với giá 317,4 triệu USD trước khi giảm giá.
Thỏa thuận này có quy mô vượt quá dự kiến ban đầu và tương đương đơn đặt hàng 300 máy bay Boeing khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm Bắc Kinh vào năm 2017. Trong cả năm 2018, Trung Quốc gần như im hơi lặng tiếng trong hoạt động mua máy bay, đặc biệt là những đơn hàng lớn, chủ yếu vì chịu tác động từ căng thẳng thương mại toàn cầu.
Bối cảnh của thỏa thuận trên cũng tương đối đặc biệt, khi mà dư âm từ những tai nạn gần đây của dòng máy bay 737 MAX của Boeing vẫn còn nóng hổi. Hy vọng về việc quan hệ Mỹ - Trung ấm dần lên tưởng chừng sẽ mang lại nhiều hợp đồng mới cho Boeing bất ngờ gặp phải rào cản lớn. Và sự xuất hiện của Airbus có thể sẽ khiến cuộc chơi thay đổi.
Không có bằng chứng nào về mối liên hệ trực tiếp giữa thỏa thuận của Airbus và căng thẳng thương mại Trung - Mỹ hay các vấn đề của máy bay Boeing, song thực tế cho thấy Bắc Kinh thường phát đi tín hiệu ngoại giao hoặc thương mại thông qua các hợp đồng mua máy bay.
“Việc chốt được một thỏa thuận hàng không lớn là bước tiến quan trọng và là tín hiệu tuyệt vời trong bối cảnh hiện tại”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong một tuyên bố chung với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thời gian qua, Mỹ và Trung Quốc đều có những động thái sẵn sàng “làm hòa” và đàm phán giảm bớt hàng rào thuế quan, cùng với đó là ý định giao dịch 200 - 300 máy bay Boeing.
Trung Quốc từ lâu đã trở thành thị trường chủ chốt của cả Airbus và Boeing |
Mối quan hệ lâu dài
Trung Quốc lại là nước đầu tiên đưa ra ra lệnh cấm đối với dòng máy bay Boeing 737 hồi đầu tháng này, sau khi xảy ra vụ tai nạn hàng không thương tâm tại Ethiopia, mở đầu cho một loạt quyết định tẩy chay 737 MAX trên toàn thế giới.
Khi được hỏi liệu các cuộc đàm phán với Trung Quốc có tiến triển nhanh hơn do sự cố của đối thủ Boeing hay không, Giám đốc điều hành Airbus Guillaume Faury khẳng định: “Đây là kết quả của mối quan hệ lâu dài, phát triển theo thời gian của chúng tôi với các đối tác Trung Quốc, là dấu hiệu rõ nét về lòng tin”. Ông Faury cũng cho hay quá trình chế tạo máy bay A320 sẽ được thực hiện ở cả Thiên Tân và châu Âu.
Trung Quốc từ lâu đã trở thành thị trường chủ chốt của cả Airbus và Boeing do nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao. Theo ước tính của Airbus, Trung Quốc sẽ cần 7.400 máy bay chở khách mới và máy bay chở hàng trong 2 thập kỷ tới, chiếm gần 20% tổng nhu cầu toàn thế giới.
Nhưng cho dù là Airbus hay Boeing, thì giới phân tích cho rằng các thỏa thuận mang tính ngoại giao thường chỉ có ý nghĩa biểu tượng, vì trong đó là sự pha trộn của đơn hàng mới, nhắc lại đơn hàng cũ và đặt hàng trước cho tương lai xa. Điều đó có nghĩa là tác động thực tế không phải lúc nào cũng nhìn thấy ngay.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh phát triển ngành sản xuất máy bay trong nước.
Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Pháp Macron hồi đầu năm 2018, hai bên từng ký hụt một thỏa thuận 184 máy bay Airbus và sau đó phải đàm phán lại.
Doanh số của Airbus trong năm 2019 đang chứng kiến một trong những khởi đầu chậm chạp nhất của 10 năm trở lại đây, khi bị hủy tới 103 đơn hàng và mới chỉ có 4 đơn đặt hàng mới trong 2 tháng đầu tiên.
Hải Châu