Vụ việc liên quan đến các sản phẩm ngô, lúa mì, lúa hạt dài Indica, lúa hạt ngắn và hạt vừa Japonica.
Theo Văn phòng Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR), giá trị phần trợ giá của Trung Quốc dành cho các mặt hàng nông phẩm trong năm 2015 vượt hơn 100 tỷ USD so với những gì đã cam kết khi gia nhập WTO.
Vừa mừng vừa lo
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ - ông Tom Vilsack, cho rằng: “Chính sách trợ giá của Trung Quốc đã khuyến khích hoạt động sản xuất lúa gạo, ngô và lúa mì trong nước để thay thế hàng nhập khẩu. Khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã cam kết hạn chế biện pháp gây méo mó thương mại này, nhưng lại không thực hiện”.
Đây là lần khiếu nại thứ 14 của USTR đối với Trung Quốc tại WTO kể từ năm 2009, trong bối cảnh chính sách thương mại tự do cũng như thương mại với các nước châu Á của Mỹ đang là chủ đề nóng trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ.
Trung Quốc nhập khẩu ngày càng nhiều hầu như tất cả các loại lương thực thực phẩm từ Mỹ, chỉ xếp sau Canada về số lượng, trong khi Mỹ là nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Ở chiều ngược lại, Mỹ nhập khẩu khoảng 482 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong năm 2015, trong khi giá trị xuất khẩu là 116 tỷ USD.
“Thông qua việc cắt giảm thuế quan và loại bỏ các rào cản thương mại khác, thị trường Trung Quốc đã mở rộng từ quy mô 2 tỷ USD lên hơn 20 tỷ USD/năm đối với nông sản Mỹ. Nhưng chúng tôi có thể làm tốt hơn nhiều, đặc biệt là nếu mặt hàng ngũ cốc xuất khẩu của chúng tôi có thể cạnh tranh một cách bình đẳng ở Trung Quốc”, ông Vilsack cho biết.
![]() |
Ngô - một trong những nông sản được Trung Quốc trợ giá cho xuất khẩu
Nguồn thu của nông dân Mỹ đã giảm đáng kể trong điều kiện nguồn cung toàn cầu dư thừa, còn giá cả thương phẩm thì tụt dốc như hiện nay. Hiển nhiên, việc Mỹ kiện Trung Quốc ra WTO vì chính sách trợ giá thái quá sẽ giúp nhiều nông dân Mỹ hả hê, song không ít người lại thấy lo hơn là mừng.
Ông William Tierney - Kinh tế gia trưởng của công ty nghiên cứu và phân tích thị trường AgResource (Chicago) cho rằng tác động dễ thấy nhất trong 6 tháng tới không phải là hàng hóa Mỹ được vào Trung Quốc thuận tiện hơn, mà chính là Trung Quốc sẽ trả đũa bằng cách áp đặt thuế chống bán phá đối với các sản phẩm của Mỹ, bao gồm cả nông phẩm và “đơn kiện của Mỹ sẽ có rất ít hoặc thậm chí là chẳng tác động được gì đến chính sách nông nghiệp của Trung Quốc”.
Dự kiến trong tháng này, Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ công bố quyết định về mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng bã rượu khô của Mỹ, một sản phẩm phụ từ quá trình sản xuất ethanol được dùng làm thức ăn chăn nuôi. Trước đó, hồi tháng 1/2016, các doanh nghiệp sản xuất ethanol Trung Quốc đã yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra mặt hàng này, với lý do giá bán của doanh nghiệp Mỹ thấp một cách bất thường.
“Làm căng” với khách hàng lớn
Hai tháng trở lại đây, chính phủ Trung Quốc liên tục “xả kho” ngô và một số thương phẩm khác từ nguồn dự trữ quốc gia. Theo thông tin mà Bộ Nông nghiệp Mỹ có được, dự trữ ngô của Trung Quốc đã chạm mức cao chưa từng có trong vòng 16 năm trở lại đây. Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo kể từ ngày 1/9, Trung Quốc quay lại áp dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng 13% đối với các sản phẩm ngô xuất khẩu, bao gồm tinh bột ngô và ethanol.
Đối với mặt hàng lúa mì và ngô, thời tiết thuận lợi giúp sản lượng tăng cao kỷ lục nhưng lại đẩy giá lúa mì của Mỹ rơi xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua, còn giá ngô 9 năm nay chưa khi nào giảm sâu đến thế.
Chính vì vậy, có chuyên gia cho rằng Mỹ đã khá mạo hiểm khi lựa chọn thời điểm này để kiện Trung Quốc. Trong tình cảnh hầu hết người trồng ngô và lúa mì ở Mỹ “hai sương một nắng” chỉ đủ lấy công làm lãi, thì thay vì trao đổi đàm phán, Mỹ lại vội vàng công kích và làm phật ý một trong những khách hàng lớn nhất của mình.
Trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, chính phủ Mỹ đã xấp xỉ 20 lần đâm đơn kiện lên WTO, vì cho rằng một số nước đối tác không tuân thủ quy tắc thương mại quốc tế, trong đó ngoài 14 lần với Trung Quốc còn có 3 lần với Ấn Độ.
Hải Châu