Lệnh cấm trên là hệ quả của việc ZTE không tuân thủ thỏa thuận với chính phủ Mỹ, sau khi bị kết án năm ngoái, cố tình vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vận chuyển trái phép hàng hóa và công nghệ của Mỹ sang Iran.
Đã châm chước, còn tái phạm
Trước đó, năm 2017, một cuộc điều tra liên bang kéo dài 5 năm của Mỹ kết luận, ZTE đã ký các hợp đồng trị giá hàng triệu USD để vận chuyển phần cứng và phần mềm từ một số công ty công nghệ nổi tiếng nhất của Mỹ sang cho các hãng viễn thông lớn của Iran. Cách thức mà hãng này áp dụng là mua linh kiện của Mỹ, lắp ráp vào thiết bị của mình, rồi vận chuyển đến Iran.
ZTE khi đó đã phải nhận tội, vì lo ngại Bộ Thương mại Mỹ làm mạnh tay, có thể gây xáo trộn chuỗi cung ứng của công ty này trên toàn cầu. ZTE cũng phải nộp 890 triệu USD tiền phạt, chưa kể khoản phạt bổ sung 300 triệu USD đang hưởng “án treo”.
Để được chính phủ Mỹ cho phép tiếp tục tham gia thị trường nước này, ZTE còn phải chấp nhận một thỏa thuận nữa, theo đó chấm dứt hợp đồng với 4 nhân viên cao cấp và kỷ luật 35 người khác dưới hình thức cắt tiền thưởng hoặc khiển trách. Tuy nhiên, cho đến tháng 3/2018, ZTE thừa nhận mới chỉ sa thải 4 nhân viên cao cấp, chứ chưa áp dụng kỷ luật với 35 người còn lại.
Căn cứ vào đó, Bộ Thương mại Mỹ quyết định cấm doanh nghiệp nước này xuất khẩu trực tiếp đến ZTE, hoặc qua một quốc gia khác những mặt hàng bị cấm, chẳng hạn như bộ chip. Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực ngay lập tức.
Mỹ cũng đưa ra cảnh báo, nếu ZTE không giải quyết tận gốc vấn đề, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn, bởi nhiều ngân hàng và công ty, kể cả ở bên ngoài nước Mỹ, cũng sẽ không dám làm ăn với công ty Trung Quốc nữa.
Quyết định từ chính phủ Mỹ được cho là sẽ ảnh hưởng nặng nề đến ZTE. Ước tính, các công ty Mỹ cung cấp 25 - 30% linh kiện sử dụng trong thiết bị của ZTE như điện thoại thông minh hay thiết bị xây dựng mạng viễn thông. Các đối tác cung ứng chính từ Mỹ của ZTE bao gồm Qualcomm, Microsoft và Intel. Ở chiều ngược lại, ZTE bán các thiết bị cầm tay cho những nhà cung cấp dịch vụ di động như AT&T, T-Mobile và Sprint.
Nếu ZTE không giải quyết tận gốc vấn đề, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn |
Làm xấu thêm quan hệ Mỹ - Trung
Cổ phiếu của các nhà cung cấp lớn ở Mỹ cho ZTE đã giảm mạnh, sau khi lệnh cấm trên được công bố. Giá cổ phiếu của nhà sản xuất thiết bị mạng quang học Acacia Communications, với 30% tổng doanh thu năm 2017 có được là nhờ quan hệ với ZTE, đã giảm 35% để rơi xuống sát mức đáy của 2 năm trở lại đây.
Cổ phiếu các công ty linh kiện quang học như Lumentum, Finisar, hay Oclaro cũng giảm lần lượt 8,9%, 4,0% và 14,1%.
Bên cạnh đó, lệnh cấm của Mỹ đối với ZTE được đánh giá là sẽ làm trầm trọng hơn những căng thẳng thương mại hiện nay giữa Washington và Bắc Kinh. Khi Mỹ áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với ZTE vào năm 2016 do vi phạm lệnh cấm nhập khẩu vào Iran, Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kịch liệt chỉ trích quyết định này.
Còn nhớ cách đây 2 tháng, một số Thượng nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa đã đề xuất một đạo luật quy định chính phủ Mỹ không được mua, hoặc thuê thiết bị viễn thông từ ZTE, hoặc Huawei Technologies (cũng của Trung Quốc), do lo ngại nguy cơ cài cắm thiết bị gián điệp.
Trong một diễn biến khác, Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia (NCSC) của Anh ngày 16/4 cũng đã cảnh báo các tổ chức trong ngành viễn thông nước này, về việc sử dụng các dịch vụ hoặc thiết bị từ ZTE có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia, với mức độ rủi ro được NCSC đánh giá là “không thể xem nhẹ”.
Hải Châu