Quang cảnh Amsterdam, Hà Lan. |
Việc thành lập một công ty vừa và nhỏ ở Châu Âu không phải lúc nào cũng phức tạp như mọi người nghĩ. Dù một số quốc gia có quy định chặt chẽ, có thể gây khó khăn cho công dân ngoài EU, nhưng những nước khác lại rất cởi mở, chào đón cả nhà đầu tư và doanh nhân trong và ngoài nước.
Sau đại dịch COVID-19 và tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng, Châu Âu đã đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ và chào đón các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện tại, Châu Âu có nhiều chương trình tài trợ và hỗ trợ cho các doanh nghiệp như Chương trình Thị trường đơn nhất, Cơ sở Kết nối Châu Âu (CEF) và Horizon Europe. Châu Âu cũng cung cấp nhiều công cụ kiến thức như Cổng thông tin Doanh nghiệp Châu Âu, Mạng lưới Doanh nghiệp Châu Âu và chương trình Erasmus dành cho các doanh nhân trẻ.
Theo Statista, năm 2023, Liên minh Châu Âu có khoảng 24,4 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), sử dụng gần 85 triệu lao động, chiếm 99,8% tổng số doanh nghiệp hoạt động trên toàn châu lục và là xương sống của nhiều khu vực và thị trấn nhỏ.
Việc thành lập doanh nghiệp tại bất kỳ quốc gia nào cũng đòi hỏi phải cân nhắc nhiều yếu tố chính. Chỉ số Dễ Kinh Doanh của Ngân hàng Thế giới đã phân loại những yếu tố này thành 10 thông số, bao gồm: khởi nghiệp, xử lý giấy phép xây dựng, kết nối điện, đăng ký tài sản, nhận tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư thiểu số, nộp thuế, giao dịch xuyên biên giới, thực thi hợp đồng, và giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán.
Mặc dù không phải quốc gia nào cũng xuất sắc ở mọi hạng mục, nhưng dưới đây là một số quốc gia dễ khởi nghiệp kinh doanh nhất ở châu Âu:
Ai-len
Cộng hòa Ireland là một trong những điểm đến hàng đầu cho khởi nghiệp tại châu Âu, nhờ nền kinh tế phát triển với thu nhập cao và kỹ thuật số tiên tiến. Theo 1Office, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh ở Ireland đạt 90%, trong khi truy cập internet tại các hộ gia đình đạt 92%, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ và kỹ thuật số phát triển. Với sự hỗ trợ từ Enterprise Ireland, quốc gia này đầu tư vào khoảng 200 công ty khởi nghiệp mỗi năm, gửi đi thông điệp mạnh mẽ chào đón các doanh nhân từ khắp nơi trên thế giới.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2020 về môi trường kinh doanh tại Liên minh châu Âu, các thành phố ở Ireland như Cork, Dublin, Waterford và Galway được đánh giá cao về các chỉ số như thực thi hợp đồng, cấp điện, cấp giấy phép xây dựng và đăng ký tài sản. Điều này giúp Ireland trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nhân muốn khởi nghiệp.
Ireland còn là thành viên của Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Việc sử dụng đồng euro và tiếng Anh là ngôn ngữ chính giúp Ireland thu hút thêm các doanh nghiệp châu Âu nhờ sự thuận lợi trong giao thương và tiết kiệm chi phí liên quan đến ngoại tệ hay dịch thuật.
Doanh nhân từ các nước như Anh, Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ và EU không cần giấy phép hay thị thực để thành lập doanh nghiệp tại Ireland. Quốc gia này cũng hỗ trợ cho phép thành lập công ty từ xa và đăng ký cho công dân ngoài EU. Ngoài ra, mức thuế doanh nghiệp của Ireland nằm trong top thấp nhất thế giới, chỉ 12,5%, và quốc gia này cũng ký Hiệp ước tránh đánh thuế hai lần với khoảng 72 quốc gia, tạo thêm nhiều lợi thế cho các nhà đầu tư.
Dublin, nơi đặt trụ sở chính của nhiều tập đoàn công nghệ lớn tại châu Âu. |
Bungari
Bulgari đang trở thành điểm đến kinh doanh hấp dẫn tại Đông Âu nhờ thủ tục hành chính đơn giản, việc thành lập công ty chỉ mất vài tuần và chi phí hành chính thấp so với nhiều quốc gia châu Âu khác. Thuế doanh nghiệp tại Bulgari cũng chỉ ở mức 10%, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Các công ty nước ngoài không gặp bất kỳ hạn chế pháp lý nào khi mua đất tại đây và chỉ phải trả các chi phí hoạt động sau khi đã đăng ký. Doanh nhân từ các nước EU có thể tận dụng nguồn lao động giá rẻ, có tay nghề cao, thông thạo nhiều ngôn ngữ và chi phí sinh hoạt thấp, đồng thời vẫn dễ dàng tiếp cận Thị trường chung châu Âu nhờ Bulgari là thành viên của EU.
Vị trí địa lý chiến lược của Bulgari tại Đông Nam Âu giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, và mở ra cơ hội tại Serbia, Bắc Macedonia. Quốc gia này cũng cho phép đăng ký công ty từ xa. Tuy nhiên, tham nhũng vẫn là vấn đề tồn tại, nên các doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ về loại hình kinh doanh và địa điểm đặt trụ sở trong nước.
Nhà thờ mái vòm vàng Alexander Nevski ở Bulgari. |
Hà Lan
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Hà Lan là nền kinh tế lớn thứ năm trong Liên minh châu Âu, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 990,6 tỷ đô la (918,7 tỷ euro), chiếm khoảng 5,96% nền kinh tế EU.
Với vị trí thuận lợi ở Tây Âu, Hà Lan có lực lượng lao động quốc tế, trình độ học vấn cao và tay nghề giỏi. Chính phủ Hà Lan cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và ưu đãi thuế dành cho các công ty khởi nghiệp. Mặc dù thuế doanh nghiệp ở mức 25,8% – cao hơn một số nước châu Âu khác – nhưng đối với nhiều doanh nghiệp, mức thuế này vẫn hợp lý nhờ vào vị trí chiến lược và khả năng tiếp cận thị trường lớn.
Hà Lan cung cấp nhiều ưu đãi cho doanh nhân, bao gồm trợ cấp và "phán quyết 30%" – cho phép các nhà tuyển dụng trả 30% lương cho nhân sự nước ngoài mà không phải khấu trừ thuế. Chính phủ còn hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, đồng thời hoàn trả chi phí cho các công ty nghiên cứu khoa học hoặc phát triển sản phẩm sáng tạo mới.
Nhờ vào những chính sách này, Hà Lan đặc biệt thu hút các doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến như robot, trí tuệ nhân tạo và bán lẻ.
Hà Lan, quốc gia có nền kinh tế lớn thứ năm trong Liên minh châu Âu. |
Thụy Điển
Với cơ sở hạ tầng và công nghệ hiện đại bậc nhất, Thụy Điển xếp hạng thứ hai trong Chỉ số sẵn sàng kỹ thuật số toàn cầu năm 2020. Chỉ số này đánh giá mức độ sẵn sàng của các quốc gia trong việc khai thác tối đa công nghệ số, từ sự chuẩn bị của người dân, doanh nghiệp đến chính phủ.
Điều này giúp Thụy Điển trở thành một trung tâm khởi nghiệp hấp dẫn cho các doanh nhân công nghệ toàn cầu, với tỷ lệ ứng dụng công nghệ mới luôn ở mức cao. Những công ty nổi bật của Thụy Điển có thể kể đến là Ericsson, Astra Zeneca, Volvo, Sandvik, Klarna và Spotify.
Là nền kinh tế lớn nhất Scandinavia, Thụy Điển cũng có ngành xây dựng phát triển mạnh, với khả năng kết nối tuyệt vời trên khắp khu vực Bắc Âu. Quốc gia này không chỉ thu hút các doanh nhân trong lĩnh vực xây dựng, mà còn tạo dựng cơ sở hạ tầng vững chắc. Sự ổn định của chính phủ và mức độ tham nhũng thấp càng làm tăng thêm sức hấp dẫn của Thụy Điển đối với các nhà đầu tư.
Thụy Điển đứng thứ hai trong bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng về mạng lưới năm 2020. |
Vương quốc Anh
Theo Ngân hàng Doanh nghiệp Anh, mỗi năm có khoảng 360.000 doanh nghiệp mới được thành lập tại Vương quốc Anh. Quy trình thành lập công ty ở đây khá nhanh chóng, đơn giản và chi phí thấp, với thời gian xử lý đơn đăng ký qua đường bưu điện từ 8 đến 10 ngày, trong khi đăng ký trực tuyến chỉ mất 24 giờ.
Với một trong những nền kinh tế đa dạng nhất châu Âu, Vương quốc Anh cung cấp nhiều biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong những năm đầu thành lập, khi lợi nhuận còn thấp. Quốc gia này cũng có các chính sách giảm thuế vào giai đoạn cuối của doanh nghiệp, liên quan đến doanh thu từ việc bán tài sản.
Hơn nữa, Vương quốc Anh sở hữu hệ thống thuế và pháp lý mạnh mẽ, với mức thuế doanh nghiệp là 25% dành cho tất cả các công ty trách nhiệm hữu hạn. Với một phần ba dân số có bằng cấp cao, lực lượng lao động của quốc gia này không chỉ có tay nghề cao mà còn rất linh hoạt.
Vương quốc Anh có hệ thống thuế và pháp lý chặt chẽ. |
Ngoài ra, Vương quốc Anh còn mang đến nhiều cơ hội huy động vốn từ cộng đồng, đầu tư mạo hiểm và thiên thần cho các doanh nhân, cùng với nhiều khoản tài trợ và tư vấn từ các bộ phận chính phủ khác nhau.
Thùy Linh