Niềm tin ngày càng xói mòn trong lòng người dân và doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, có thể sẽ khiến họ đổ xô đến rút tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng của nước này trong những ngày tới.
Trả lời báo Hurriyet trên số đăng vào tối Chủ nhật (12/8), Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak, đồng thời là con rể của Tổng thống Erdogan, cho hay nước này đã sẵn sàng “các kế hoạch đề phòng và hành động” để đối phó với tình trạng đồng lira “lao dốc không phanh” trong tuần vừa qua, khiến nước này đứng trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.
Cú sốc vô căn cứ
Ông Albayrak đặc biệt nhấn mạnh đến phương án cho lĩnh vực ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, những đối tượng được cho là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến động tiền tệ.
Ông cũng bác bỏ tin đồn rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể sử dụng các công cụ kiểm soát vốn, đồng thời cam kết sẽ không “xung công” các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ. Thay vào đó, trong trường hợp cần thiết, chính phủ có thể thắt chặt cơ chế tài chính để hạn chế chi tiêu công.
Tuần qua chứng kiến đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ mất giá tới 20% so với đồng USD sau những căng thẳng leo thang với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, kèm theo lo ngại thực trạng quản lý kinh tế còn nhiều bất cập.
Tính từ đầu năm, đồng lira đã giảm hơn 40%, khiến các doanh nghiệp trong nước chịu thêm rất nhiều áp lực, bởi họ đã và đang phải loay hoay với những khoản nợ bằng USD và euro không được phòng ngừa rủi ro. Nhu cầu cấp thiết về tín dụng nước ngoài cũng khó được đáp ứng đầy đủ nếu đồng lira tiếp tục biến động mạnh như hiện nay.
Trước khi Bộ trưởng Tài chính lên tiếng trấn an dư luận, Tổng thống nước này cũng đã đăng đàn trên truyền thông để lý giải sự cố đồng lira, trong đó chủ yếu là cáo buộc một số nước “âm mưu” phá hoại nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.
Đồng tình với quan điểm này, ông Albayrak khẳng định việc đồng lira mất giá là không có cơ sở nào về mặt kinh tế, mà đó là “một cuộc tấn công rõ ràng từ thế lực lớn nhất trong hệ thống tài chính toàn cầu. Và, điều đó sẽ gây ra những tác động tương tự ở tất cả các thị trường mới nổi”.
Liên quan tới lãi suất thị trường, ông Erdogan luôn phản đối nâng lãi suất để hỗ trợ đồng nội tệ, với lý do chính sách nâng lãi suất chỉ làm “người giàu giàu hơn và người nghèo nghèo đi”. Thay vào đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi người dân bán USD, euro và vàng để mua lira.
Thổ Nhĩ Kỳ cần khẩn trương triển khai các biện pháp ngăn chặn đồng lira trượt giá sâu hơn |
Một lối đi rất nhiều “ổ voi”
Việc Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ từ chối tăng lãi suất (bất chấp lạm phát tăng cao và đồng tiền mất giá mạnh) được cho là chịu áp lực chính trị từ ông Erdogan. Điều này khiến giới đầu tư lo ngại rằng nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang rẽ vào một lối đi rất gập ghềnh, nhiều “ổ voi”.
Cuối tuần qua, giới quan sát đã cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần khẩn trương triển khai các biện pháp ngăn chặn đồng lira trượt giá sâu hơn. Cú sốc tiền tệ này kết hợp với niềm tin ngày càng xói mòn trong lòng người dân và doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, có thể sẽ khiến họ đổ xô đến rút tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng của nước này trong những ngày tới.
Ý kiến lạc quan hơn thì nhận định Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có khả năng tìm được nguồn hỗ trợ cần thiết để vực dậy nền kinh tế trị giá 880 tỷ USD của mình. Nhưng trước khi cho Thổ Nhĩ Kỳ vay, các nhà tài trợ cần phải được bảo đảm rằng chính phủ nước này có trong tay những công cụ chính sách hiệu quả và chứng minh được tính đúng đắn của phương án sẽ sử dụng để giải quyết những vấn đề còn tồn tại.
Không thể phủ nhận, cuộc khủng hoảng của Thổ Nhĩ Kỳ phần lớn xuất phát từ những yếu tố nội tại. Song mọi việc ngày càng trở nên trầm trọng cũng là do chịu tác động từ yếu tố khách quan, như biến động trong hệ thống tiền tệ toàn cầu với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất và cắt giảm danh mục tài sản nắm giữ. Điều này làm ảnh hưởng đến các quốc gia lệ thuộc vào nguồn vốn USD ngắn hạn như Thổ Nhĩ Kỳ.
Hải Châu