Nhu cầu cấp bách của Pakistan hiện nay là các khoản hỗ trợ tài chính ngắn hạn, nhưng giới quan sát cho rằng chính phủ mới cần thúc đẩy cải cách sau cuộc bầu cử để đưa đất nước thoát ra khỏi suy thoái.
Mọi chuyện càng trở nên phức tạp khi cuộc bầu cử quốc hội sắp diễn ra vào ngày 25/7 trong bối cảnh chính trị và quân sự còn nhiều rối ren. Hai đảng đang cạnh tranh trực tiếp là Liên đoàn Hồi giáo Pakistan - Nawaz và Phong trào Công lý.
Nhìn đâu cũng thấy khó khăn
Pakistan hiện đang được điều hành bởi một chính phủ tạm quyền từ tháng 6, sau khi đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan - Nawaz do gia đình cựu thủ tướng Nawaz Sharif lãnh đạo kết thúc nhiệm kỳ 5 năm của mình.
Thời điểm này năm ngoái, Tòa án tối cao Pakistan đã bãi nhiệm ông Sharif sau các cáo buộc tham nhũng nổi lên khi tài sản ở nước ngoài của gia đình ông xuất hiện trong vụ Hồ sơ Panama năm 2016. Cách đây hơn 1 tuần, ông Sharif đã bị kết án tù 10 năm cho dù một mực lên tiếng phủ nhận sai phạm.
Cho dù đảng nào giành chiến thắng trong kỳ bầu cử tới đây thì cũng phải sẵn sàng đương đầu với vô vàn khó khăn đang phủ bóng đen lên nền kinh tế.
Đồng nội tệ rupee mất giá gần 10% so với đồng USD trong năm qua. Nền kinh tế lớn thứ hai của Nam Á trải qua hàng chục năm tăng trưởng thất thường, nợ chồng nợ và cán cân thanh toán luôn ở trạng thái khủng hoảng.
Chưa dừng lại ở đó, tình trạng trốn thuế tràn lan đang trở thành một vấn nạn, từ chính trị gia cho đến doanh nhân thu nhập cao ngất cho đến người bán tạp hóa, với chỉ khoảng 1% trong số hơn 200 triệu người Pakistan khai nộp thuế.
Các biện pháp của chính phủ nhằm cải thiện dự trữ ngoại hối, hiện loanh quanh ngưỡng 9,8 tỷ USD - gần mức thấp nhất trong 3 năm rưỡi vừa qua, chưa phát huy nhiều hiệu quả.
Thâm hụt tài khoản vãng lai của Pakistan đã tăng 45% trong khoảng thời gian từ tháng 7/2017 đến tháng 5/2018, lên mức 16 tỷ USD, trong khi thâm hụt thương mại tăng lên 3,7 tỷ USD. Nợ nước ngoài của quốc gia này là 31% GDP, chạm đỉnh của 6 năm trở lại đây.
Hưởng lợi trong nhiều năm từ giá dầu thấp, Pakistan hiện đang phải đối mặt với chi phí dầu thô tăng cao, một trong những nguyên nhân được cho là gây suy giảm cán cân thanh toán trong bối cảnh dòng vốn nước ngoài chảy vào vẫn còn hạn chế.
Thêm vào đó là áp lực trả nợ cho Trung Quốc sau khi đối tác đông dân nhất thế giới này cho vay hàng tỷ USD để giúp hiện thực hóa sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”.
Pakistan thực sự cần một “liều thuốc kích thích” mạnh từ các định chế cho vay quốc tế |
Giải nguy trước mắt cải cách lâu dài
Một khoản vay IMF có thể không quá khó, nhưng đi kèm với nó sẽ là nhiều điều kiện nghiêm ngặt, đặc biệt là khi mối quan hệ giữa Pakistan với Mỹ vẫn đang đi xuống.
Còn nhớ hồi tháng 1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cắt giảm viện trợ quân sự cho Pakistan sau khi ông cáo buộc phía Islamabad ủng hộ các nhóm phiến quân tấn công Afghanistan.
Cũng chính vì áp lực của Mỹ mà Pakistan đã bị đưa vào danh sách “đen” các nước có nghi vấn tài trợ khủng bố.
Nhu cầu cấp bách của Pakistan hiện nay là các khoản hỗ trợ tài chính ngắn hạn, nhưng giới quan sát cho rằng chính phủ mới cần thúc đẩy cải cách sau cuộc bầu cử để đưa đất nước thoát ra khỏi suy thoái.
Có ý kiến cho rằng Ấn Độ từng gặp phải những vấn đề tương tự, nhưng nhờ có đầu tư trực tiếp nước ngoài và du lịch mà bứt lên được. Pakistan không có được những cứu tinh như vậy thì không còn lựa chọn nào khác ngoài cải cách mạnh mẽ.
Một số thành viên của đảng Phong trào Công lý cho biết, nếu trúng cử, họ sẽ tìm đến IMF nhờ hỗ trợ, cam kết chấn chỉnh các cơ quan nhà nước, quét sạch tham nhũng, tạo dựng một “nhà nước phúc lợi Hồi giáo” và giảm thâm hụt bằng cách tăng nguồn thu thuế.
Trong khi đó, đảng Liên đoàn Hồi giáo của ông Sharif lại cho rằng Pakistan không cần một gói cứu trợ từ IMF. Đồng thời nhấn mạnh thành công của đảng này trong việc giảm thiểu việc cắt điện, thu hút tài trợ cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc và củng cố an ninh quốc gia.
Còn theo ý kiến của một số chuyên gia đầu tư, chính phủ nước này thực sự cần một “liều thuốc kích thích” mạnh từ các định chế cho vay quốc tế.
Hải Châu