Với lý do giành lại sự công bằng cho nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 25% với các sản phẩm thép và 10% đối với nhôm khi nhập khẩu vào nước này.
Không có ngành thép, chẳng có đất nước!
“Khi một quốc gia (Mỹ) mất đi hàng tỷ USD trong thương mại với hầu như mọi quốc gia có quan hệ kinh doanh với mình, thì chiến tranh thương mại cũng tốt thôi và không khó để giành chiến thắng”, ông Trump “tâm sự” trên Twitter hôm 2/3 theo giờ địa phương.
Trong một tuyên bố sau đó, ông tiếp tục nhấn mạnh mục đích của mình là bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động Mỹ trước sự xuất hiện của các sản phẩm nước ngoài giá rẻ, một vấn đề quen thuộc trong chủ trương “Nước Mỹ trên hết” mà vị tổng thống này đã theo đuổi từ khi vận động tranh cử năm 2016.
“Chúng ta phải bảo vệ đất nước và người lao động. Ngành thép đang gặp khó khăn. Không có ngành thép thì cũng chẳng có đất nước!”, ông viết.
Quan điểm của Tổng thống Mỹ ngay lập tức vấp phải phản ứng trái chiều từ trong lòng nước Mỹ. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng thay vì tạo ra việc làm, thì giá cả tăng lên đối với nhóm tiêu dùng thép và nhôm như ngành công nghiệp ôtô và dầu khí sẽ khiến số lượng người Mỹ mất việc còn nhiều hơn.
Hãng sản xuất thiết bị gia dụng Electrolux đã hoãn dự án 250 triệu USD mở rộng nhà máy ở Tennessee, vì lo ngại giá thép của Mỹ sẽ tăng và khiến cho việc sản xuất ở đó trở nên kém cạnh tranh.
Mỹ là nhà nhập khẩu thép lớn nhất thế giới, khi mua 35,6 triệu tấn vào năm 2017. Mỹ hiện nhập khẩu thép nhiều hơn là xuất khẩu và phụ thuộc vào thép từ hơn 100 quốc gia khác.
Trước động thái gây sốc từ nước Mỹ, các đối tác thương mại lớn của quốc gia này đã có những phản ứng tức thì, hứa hẹn hành động trả đũa trong tương lai.
Châu Âu thậm chí còn đưa ra một danh sách các mặt hàng của Mỹ để đánh thuế, nếu ông Trump kiên quyết thực hiện ý định của mình.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã trả lời một kênh truyền hình Đức rằng “Chúng tôi sẽ áp thuế với cả xe máy Harley - Davidson, rượu Bourbon và quần bò Levi’s”.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định bất kỳ chính sách thuế nào của Mỹ đối với thép và nhôm cũng là “hoàn toàn không chấp nhận được”.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump: Không khó để giành chiến thắng
Ván cờ không có bên thắng cuộc
Canada càng có lý do để quan ngại, khi mà nước này cùng Mexico là đối tác của Mỹ trong Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Quá trình tái đàm phán NAFTA vốn đã trúc trắc thì nay càng trở nên phức tạp.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng tỏ ra lo lắng với nhận định rằng chủ trương của Mỹ có thể ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Mỹ và của cả các quốc gia khác.
Trung Quốc - quốc gia mà ông Trump thường xuyên cáo buộc là có các hành vi thương mại không lành mạnh, kêu gọi Mỹ bình tĩnh. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nước này - bà Hoa Xuân Oánh, nói: “Trung Quốc kêu gọi Mỹ kiềm chế khi sử dụng các biện pháp tự vệ thương mại, tôn trọng các quy tắc thương mại đa phương và đóng góp tích cực vào trật tự thương mại quốc tế”.
Trung Quốc chỉ chiếm 2% lượng thép nhập khẩu của Mỹ, nhưng sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp này ở Trung Quốc đã góp phần vào tình trạng dư cung trên toàn cầu.
Brazil thì dọa sẽ có các hành động đa phương, hoặc song phương, để bảo vệ lợi ích của mình.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo khẳng định việc này sẽ làm méo mó hoạt động thương mại và dẫn đến mất việc làm.
Hiệp hội ngành thép Đức - WV Stahl, cho rằng các biện pháp trên vi phạm luật của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và sẽ có tác động lớn lên thị trường thép nước này.
Không ít lần Tổng thống Trump đưa ra những quan điểm chính trị gây sốc, rồi lại đổi ý như một kiểu chiến thuật đàm phán. Tuy nhiên lần này, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết sắc thuế dự kiến sẽ không thay đổi.
Hải Châu