Thỏa thuận trên được công bố trong bối cảnh Tesla tăng giá các loại xe sản xuất tại Mỹ đang bán ở thị trường Trung Quốc, để bù đắp những chi phí phát sinh khi chính phủ Trung Quốc đánh thuế trả đũa đối với chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump nhằm vào hàng hóa Trung Quốc. Giá xe Tesla ở Trung Quốc hiện cao hơn 70% so với giá xe cùng loại ở Mỹ.
Giảm chi phí và tránh thuế
Chính quyền Thượng Hải hoan nghênh động thái của Tesla khi không chỉ đầu tư vào một nhà máy mới tại đây, mà còn đầu tư cả vào công tác nghiên cứu phát triển. Từ lâu, Trung Quốc đã nỗ lực đẩy mạnh hoạt động thu hút nhân tài và vốn đầu tư của các nhà sản xuất ôtô toàn cầu trong việc phát triển công nghệ xe điện tiên tiến.
Tesla dự kiến sau 2 năm kể từ khi khởi công xây dựng nhà máy Thượng Hải, công ty sẽ cho ra mắt chiếc xe đầu tiên và cần khoảng 2 - 3 năm để đạt sản lượng 500.000 xe/năm.
Điều này đồng nghĩa với việc Tesla đã lên mục tiêu để nhà máy tại Thượng Hải vượt trên mức trung bình tại địa phương, nơi mỗi nhà máy trung bình sản xuất 200.000 - 300.000 xe mỗi năm. Và mục tiêu này tương ứng với con số tại nhà máy chính của hãng ở Fremont, California.
Mặc dù nhiều nhà phân tích đặt ra nghi vấn về cách thức mà “công ty nổi tiếng thua lỗ” này huy động được lượng vốn cần thiết để xây dựng và tuyển dụng nhân sự cho một nhà máy lớn như vậy, nhưng cổ phiếu Tesla đã lập tức tăng 1,5%.
Đáp lại thiện chí của Tesla, chính quyền Thượng Hải đã đề xuất giúp một phần gánh nặng về vốn và tuyên bố “sẽ hỗ trợ hoàn toàn việc xây dựng nhà máy Tesla”.
Trong thông báo hôm 10/7, Tesla cho biết dự án tại Trung Quốc sẽ không gây ảnh hưởng nào đến hoạt động của công ty tại Mỹ.
Giữa lúc xung đột thương mại với Washington ngày càng trở nên gay gắt, Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách thu hút đầu tư từ ngành công nghiệp ôtô toàn cầu. Trong khi đó, Tổng thống Trump lại phải ngăn doanh nghiệp sản xuất Mỹ chuyển dây chuyền nhà máy ra nước ngoài, như dự án hãng sản xuất xe gắn máy Harley - Davidson Inc của Mỹ công bố vào tháng trước.
Trung Quốc đang là thị trường lớn nhất cho xe điện. Doanh số bán xe điện tại đây sẽ tăng tốc nhanh chóng, sau khi Bắc Kinh đặt mục tiêu sử dụng 100% xe điện vào năm 2030.
Nhà máy sản xuất tại Trung Quốc là “chìa khóa” quan trọng giúp Tesla mở rộng thị trường |
Củng cố vị thế ở thị trường màu mỡ
Trong năm 2018, đã có hơn 28 triệu xe được tiêu thụ tại Trung Quốc. Dự báo doanh thu năm 2025 sẽ đạt mốc 35 triệu xe, cao hơn gấp đôi con số tại thị trường Mỹ hiện tại với khoảng 17 triệu xe mỗi năm.
Kế hoạch xây dựng nhà máy tại Trung Quốc của Musk đã được ấp ủ từ lâu, nhưng còn vướng về rào cản pháp lý khi Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải nhượng lại 50% cổ phần nhà máy.
Chỉ đến khi chính quyền Trung Quốc thông báo hồi tháng 5, rằng tới năm 2020, họ sẽ gỡ bỏ quy định trên thì Tesla mới quyết định thành lập nhà máy sản xuất xe điện mới ở Thượng Hải.
“Chắc chắn nhà máy tại Thượng Hải sẽ cải thiện vị thế của Tesla ở Trung Quốc, khi việc sản xuất được thực hiện ngay tại thị trường tiêu thụ và tránh được thuế nhập khẩu. Việc gỡ bỏ quy tắc 50/50 cho các liên doanh ở Trung Quốc cũng mang lại lợi ích đặc biệt cho Tesla vì công ty hiện chưa có liên doanh nào ở Trung Quốc”, bà Tasha Keeney - chuyên gia phân tích của ARK Invest, nhận định.
Đầu tuần qua, các nhà sản xuất ôtô của Đức cũng đã nhất trí với đối tác Trung Quốc về việc phát triển các loại xe điện và công nghệ cho xe kết nối và tự lái. BMW đã đồng ý cùng đối tác Brilliance Automotive Group Holdings nâng công suất sản xuất tại liên doanh BMW Brilliance Automotive lên 520.000 xe vào năm 2019.
Trong khi đó, Volkswagen cho biết họ sẽ hợp tác công nghệ với FAW Group của Trung Quốc bao gồm cả điện tử di động, kết nối và xe tự lái.
Hải Châu