Mạng lưới đường sắt tốc độ cao của Trung Quốc khai trương hôm 23/9 vừa qua với tổng chiều dài lớn nhất thế giới (25.000 km), kết nối trực tiếp 44 địa điểm ở đại lục Trung Quốc với trung tâm Hồng Kông, được chờ đợi sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian di chuyển cho người dân. Nếu trước kia, một chuyến tàu tới Bắc Kinh mất cả ngày trời, thì nay sẽ chỉ còn 9 tiếng đồng hồ mà thôi.
Nhiều điểm cộng tiện ích
Dự kiến sẽ có khoảng 80.000 người di chuyển bằng tuyến đường sắt này mỗi ngày. Dự án kéo dài 7 năm và có giá trị lên đến gần 11 tỷ USD là một trong những tuyến đường sắt cao tốc đắt đỏ nhất thế giới, vì phần lớn quãng đường đi ngầm dưới biển và dưới lòng đất.
Đây hứa hẹn sẽ là đối thủ cạnh tranh đáng gờm cho các hãng hàng không ở một thị trường nhộn nhịp máy bay trên không và thiếu thốn chỗ đỗ bên dưới, khiến tình trạng hoãn chuyến xảy ra như cơm bữa.
Kể từ khi xuất hiện dịch vụ tàu cao tốc đầu tiên kết nối Bắc Kinh với thành phố cảng Thiên Tân cách đây một thập kỷ, các hãng hàng không Trung Quốc đã bắt đầu mất khách, đặc biệt là những người di chuyển dưới 800 km.
Nếu so sánh 11 trong tổng số 20 đường bay của hãng Cathay Pacific Airways với chuyến tàu cao tốc tương ứng, giá vé tàu chỉ bằng một nửa. Hành khách cũng không mất nhiều thời gian kiểm tra an ninh. Đó là chưa kể sự bất tiện khi đi máy bay vì phải dừng tại một đảo trung gian rồi lại bắt tàu đi tiếp.
Bà Corrine Png - người sáng lập công ty nghiên cứu vận tải châu Á Crucial Perspective có trụ sở tại Singapore, nhận định rằng với việc các hãng vận tải đại lục đang mở rộng mạng lưới và có chính sách giá hấp dẫn, Cathay đang chịu nhiều áp lực và có thể để tuột hành khách đối với những chuyến bay ngắn chưa tới 3 tiếng đồng hồ.
Đối với nhiều hành khách, chỗ ngồi trên tàu rộng hơn, để chân thoải mái hơn và tự do đứng lên đi lại trong suốt hành trình chính là những điểm cộng tiện ích.
Các hãng hàng không thì có lợi thế khách hàng trung thành nhờ hệ thống tích điểm dặm bay, nhưng chừng đó thôi xem ra chưa đủ, vì với các chặng bay ngắn, số điểm thưởng nhỏ đến mức ít người buồn để ý.
Vì thế, các hãng hàng không giờ phải tập trung nhiều hơn cho các tuyến nội địa dài, hoặc chưa có đường sắt cao tốc. Khi đó di chuyển bằng máy bay sẽ tiết kiệm thời gian hơn hẳn, đồng thời cắt giảm dần những dịch vụ cạnh tranh trực tiếp với tàu cao tốc.
![]() |
Một đoàn tàu siêu tốc chuẩn bị khởi hành từ nhà ga trung tâm Hồng Kông |
Kỷ nguyên đường sắt
Tháng 12 năm ngoái, việc ra mắt dịch vụ tàu cao tốc giữa Thành Đô và Tây An đã khiến một số hãng hàng không phải giảm số chuyến bay hàng ngày giữa hai thành phố này từ vài chục chuyến xuống chỉ còn 3 chuyến.
Tuyến đường sắt có tổng chiều dài tới 25.000 km còn là một tín hiệu khác về nỗ lực của Trung Quốc trong việc thắt chặt quan hệ của Hồng Kông với đại lục, bất chấp chế độ điều hành riêng biệt.
Đầu năm nay, công ty Cosco Shipping của Trung Quốc thâu tóm thành công Orient Overseas International, hãng vận tải container lớn nhất Hồng Kông với giá trị 6,3 tỷ USD.
Đối với rất nhiều thành phố của Trung Quốc, đây là một bước đột phá lớn bởi là lần đầu tiên họ có mối liên hệ trực tiếp với Hồng Kông, trung tâm quan trọng nhất ở phía nam Trung Quốc.
Hệ thống đường sắt cao tốc mới còn một tác dụng nữa là giảm bớt áp lực phần nào cho những thành phố thường xuyên bị thiên tai trong mùa mưa bão khiến các chuyến bay phải hoãn hủy. Gần đây nhất, khi cơn bão Mangkhut đi qua, hơn 1.400 chuyến bay đã bị hủy trên toàn khu vực, theo thống kê của Flight Aware.
Dù biết rằng đi máy bay sẽ nhanh hơn nhưng nhiều người vẫn chấp nhận đi tàu vì lịch trình ổn định và ít bị thay đổi hơn so với máy bay.
Hải Châu