Thực tế này diễn ra trong bối cảnh lượng phát thải carbon trên thế giới đang tăng lên và đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái, do tình hình sử dụng dầu mỏ và khí đốt không những không bớt đi mà còn nhiều hơn.
Lợi ích kinh tế nhờ quy mô
Theo số liệu tổng hợp mới được công bố bởi BloombergNEF, một trong những kênh thông tin chính xác và toàn diện nhất về tình hình đầu tư năng lượng sạch trên toàn thế giới, Trung Quốc là nơi chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất khi tổng mức đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã giảm 1/3. Thực tế này là hệ quả của chính sách cắt giảm trợ cấp các dự án năng lượng mặt trời mà chính phủ Trung Quốc bắt đầu triển khai từ tháng 6/2018.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào giá trị để kết luận rằng lĩnh vực năng lượng sạch đang mất sức hút thì hoàn toàn sai lầm. Dù con số USD có giảm, nhưng trên thực tế, số lượng dự án năng lượng tái tạo mới vẫn tăng lên hàng năm trên toàn cầu.
Ông Angus McCrone - Tổng biên tập BNEF, lý giải giá trị tổng thể giảm đi là do chi phí triển khai không còn đắt đỏ như trước. Ông cũng dự đoán xu hướng này sẽ tiếp diễn trong năm 2019.
Với nhà đầu tư thì đây rõ ràng là tín hiệu mừng. Nhưng về phía phía các doanh nghiệp sản xuất tuabin gió và tấm pin năng lượng mặt trời thì không vui vẻ chút nào, khi phải xoay sở tìm đầu ra cho các sản phẩm đang ngày càng mất giá.
Theo nhận định của ông David Hostert - phụ trách mảng năng lượng gió của BNEF, năm nay sẽ là thử thách thực sự đối với các nhà sản xuất và cả những đối tác cung cấp nguyên vật liệu đầu vào. Chính vì thế, khả năng các doanh nghiệp phải tái cơ cấu hoạt động, sáp nhập với nhau là hoàn toàn có thể, đặc biệt ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Tuy nhiên, một số lĩnh vực được BNEF dự báo sẽ tăng trưởng tốt, trong đó mảng lưu trữ năng lượng thậm chí còn có thể chạm mốc cao kỷ lục. Cũng theo BNEF, doanh số bán xe điện sẽ tăng 40% trong năm nay.
Quay trở lại với thống kê năm 2018, BNEF cho biết sự sụt giảm đầu tư vào năng lượng tái tạo chủ yếu tập trung ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Đức - tất cả đều giảm với tốc độ hai con số.
Hai năm trở lại đây, năng lượng gió và mặt trời đã vượt qua nhiên liệu hóa thạch |
Người tiêu dùng hưởng lợi
Trong khi đó, các thị trường như Mỹ và châu Âu lại có sự tăng trưởng mạnh mẽ về đầu tư năng lượng tái tạo, một phần do tăng trưởng năng lượng gió ngoài khơi của khu vực EU và tăng số lượng dự án năng lượng tái tạo được tài trợ bởi các công ty công nghệ lớn.
Sự sụt giảm đầu tư toàn cầu vào năng lượng sạch diễn ra trong bối cảnh lượng phát thải carbon trên thế giới đang tăng lên và đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái, do tình hình sử dụng dầu mỏ và khí đốt không những không bớt đi mà còn nhiều hơn.
Theo một số kết quả nghiên cứu mới đây, việc chính phủ Trung Quốc kết thúc chương trình trợ giá năng lượng mặt trời hồi giữa năm đã khiến đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời ở nước này giảm mất một nửa.
Giá thành tấm pin năng lượng mặt trời ngày một rẻ cũng khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất điêu đứng, nhưng lại khiến công nghệ này trở nên hấp dẫn hơn về mặt tài chính đối với các quốc gia khác như Ấn Độ - nơi rất tích cực tận dụng năng lượng mặt trời và có mặt bằng chi phí thuộc loại thấp nhất thế giới.
Với mức giá thầu phổ thông ở mức 3 rupee/ kWh (tương đương 978 đồng), đầu tư vào công suất năng lượng mặt trời mới ở Ấn Độ thường rẻ hơn so với sản xuất từ các nhà máy than hiện tại.
Theo phân tích của Financial Times, ngay cả tại các nền kinh tế mới nổi, nơi nhu cầu tăng trưởng kinh tế thường được coi trọng hơn lo ngại về tác động môi trường, thì năng lượng gió và mặt trời trong vòng 2 năm trở lại đây đã vượt qua nhiên liệu hóa thạch trong việc bổ sung công suất mới để sản xuất điện.
Hải Châu