Trong lĩnh vực năng lượng, người ta đúc rút ra một kết luận là tư duy thay đổi thường xuyên đi trước thực tế khá xa. Thế kỷ 19 dù được nhân loại coi là thời đại của than đá, song phần lớn nhu cầu nhiên liệu vẫn là gỗ, than củi và rơm rạ. Chỉ sang đến thế kỷ 20, than đá mới thực sự lên ngôi.
Âu, Mỹ đã không còn mặn mà
Điều này cũng cho thấy một thực tế là không phải một sớm một chiều mà có thể chuyển ngay sang loại nhiên liệu khác, cho dù nhận thức được ưu điểm vượt trội của nó. Thế nên, dù xuất hiện nhiều đối thủ “xanh” hơn, nhưng ngành công nghiệp than vẫn tồn tại, thậm chí là “sống khỏe” trong thế kỷ 21.
Lần đầu tiên sau 3 năm, nhu cầu sử dụng than trên toàn thế giới đã tăng trở lại trong năm 2017 và có thể sẽ tiếp tục xu hướng này trong năm nay. Giá than nhiệt dùng cho phát điện đã tăng mạnh trong những tháng gần đây, do thời tiết nắng nóng ở Trung Quốc và các nước châu Á khiến người dân phải bật điều hòa liên tục và phát sinh thêm lượng điện cần tiêu thụ.
Trong khi nhu cầu sử dụng than để sản xuất điện dường như đã chạm kịch trần ở các nước phát triển thì đối với nhiều nền kinh tế mới nổi. Đặc biệt là ở Đông Nam Á, đây vẫn là “hàng hot”, dù có hàm lượng carbon nhiều nhất trong số các loại nhiên liệu hiện nay.
Sở dĩ như vậy là bởi than đá vẫn là một lựa chọn giá rẻ cho những quốc gia chưa thực sự coi trọng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong chính sách năng lượng của mình, trong khi nhiệm vụ phải đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng nhanh của người dân lại có phần bức thiết hơn.
Dù chi phí sản xuất năng lượng điện mặt trời và gió hiện đã giảm xuống ở nhiều khu vực tại châu Á, giúp các loại năng lượng tái tạo này có thể cạnh tranh với than đá mà không cần trợ cấp, thì nhiều nền kinh tế mới nổi vẫn đang đầu tư vào than để bảo đảm nguồn cung cấp điện 24/24 và hỗ trợ phát triển công nghiệp.
Trung Quốc, quốc gia chiếm gần một nửa nhu cầu than của thế giới, là một ví dụ điển hình. Chính phủ Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để kiềm chế phát thải từ than đá, trong khi các công ty sản xuất điện vẫn tìm cách xây mới các nhà máy.
Hay như Việt Nam, theo số liệu của Financial Times, đến năm 2020 sẽ đáp ứng được 6,5% nhu cầu năng lượng bằng các nguồn tái tạo (trừ thủy điện) và tới năm 2030 là 10,7%.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này, mức tiêu thụ than được dự báo cũng sẽ tăng cao khi nhiều nhà máy mới được xây dựng để đáp ứng nhu cầu điện chỉ có tăng chứ không dừng giảm.
Nhu cầu sử dụng than trên toàn cầu sẽ tăng chậm trong vài năm tới |
Châu Á “cân” hết
Cũng theo so sánh của tờ báo này, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu lần lượt là 850 MW và 800 MW cho công suất điện mặt trời và gió vào năm 2020, tức là chưa thấm vào đâu so với than, khi mà hiện có nhiều nhà máy đốt than với tổng công suất khoảng 15.000 MW đang chờ cấp phép, còn những dự án đã được cấp phép và đang xây dựng thì có tổng công suất 8.750MW và 10.640MW.
Khí tự nhiên, một nhiên liệu hóa thạch khác ít cacbon hơn nhưng vẫn còn tương đối đắt đỏ ở châu Á với giá mua gấp hơn 3 lần mức tham chiếu ở Mỹ.
Điều này khiến Đông Nam Á tiếp tục phải “chìm đắm” trong than và nhìn những nền kinh tế phát triển lần lượt chuyển đổi sang khí đốt để sản xuất điện. Nếu giá gas không giảm sốc vào một ngày nào đó, thì kịch bản này khó có thể thay đổi.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo nhu cầu sử dụng than trên toàn cầu sẽ tăng chậm trong vài năm tới, dù ở Mỹ và châu Âu có giảm. Đến năm 2022, nhu cầu than của Trung Quốc giảm 11 triệu tấn/năm, các nước châu Âu thuộc OECD giảm 30 triệu tấn/năm và Bắc Mỹ giảm 37 triệu tấn/ năm. Tất cả sẽ dễ dàng được “bù đắp” bằng mức tăng 135 triệu tấn/năm của Ấn Độ và 70 triệu tấn/năm của ASEAN.
Dù sao thì với những người quan tâm tới môi trường, tia sáng hy vọng vẫn còn đó khi các nước châu Á đang hướng tới xây dựng những nhà máy điện hiện đại hơn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến nhằm tăng hiệu quả xử lý than và giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính do than gây ra.
Hải Châu