Nhà kinh tế học Patrick Zweifel tại Pictet nhận định tiền tệ châu Á rơi vào tình trạng căng thẳng không phải bởi hiệu ứng lan truyền trong các thị trường mới nổi; thay vào đó, nguyên nhân chính là do tình trạng căng thẳng thương mại và ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc cũng như đồng NDT đối với "sức khỏe" của các nền kinh tế này.
Đồng NDT hạ giá gây ra nhiều thiệt hại đối với nền kinh tế châu Á. Theo Bank of America Merrill Lynch, đồng NDT hạ giá làm suy giảm sức mua của các nhà nhập khẩu Trung Quốc, và có thể sẽ làm chậm lại tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực từ nay đến cuối năm 2018.
Danh sách những đồng tiền diễn biến tương tự hoặc tương quan với diễn biến hạ giá của đồng NDT so với USD ngày càng tăng lên. Theo Gaurav Saroliya, chiến lược gia vĩ mô tại Oxford Economics, những diễn biến tiền tệ mới đây cho thấy đồng Won của Hàn Quốc cũng như đô la Đài Loan và Singapore đang gắn chặt với NDT.
Các ngân hàng trung ương sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi đồng NDT giảm giá |
Theo Juckes, đô la Úc, New Zealand, đồng Ringgit của Malaysia, Rupiah của Indonesia và Yên Nhật là những cái tên mới trong danh sách trên.
Với những nước này, Juckes cho biết: "Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong thị trường của họ". Về phía Nhật Bản, theo Saroliya, quốc gia này sẽ tổn thất lớn nếu nền thương mại toàn cầu đi xuống bởi Nhật Bản liên kết chặt chẽ với thương mại toàn cầu hơn Mỹ.
Câu hỏi đặt ra cho các ngân hàng trung ương châu Á là cần làm gì trong thời điểm đồng NDT tiếp tục hạ giá. Một yếu tố quan trọng cần cân nhắc là NDT hạ giá ra sao so với tiền tệ của các quốc gia châu Á, thay vì so với USD.
Hệ thống Giao dịch Ngoại hối Trung Quốc (CFETS) định giá NDT dựa trên một giỏ giá trị tiền tệ, trong đó tiền tệ châu Á chiếm 41%. Kể từ đầu tháng 6, chỉ số CFETS đã giảm 3%. Chỉ số này từng tăng hơn 5% trong vòng một năm tính đến tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi đồng NDT giảm giá so với tiền tệ của quốc gia họ.
Stephen Gallo, chiến lược gia tiền tệ tại Bank of Montreal, cho biết: "Nếu các nhà xuất khẩu của bạn đang cạnh tranh cùng Trung Quốc, điều này sẽ khiến họ thiệt hại".
Một trong số các giải pháp cho các ngân hàng trung ương châu Á là theo chân PBoC, cụ thể là quay lại thực hiện các biện pháp tiền tệ nới lỏng nhằm giảm tác động của căng thẳng thương mại hoặc can thiệp vào thị trường ngoại hối.
Theo Gallo, cho tới khi căng thẳng thương mại hạ nhiệt hoặc được giải quyết, "không có nhiều cơ hội (cho các ngân hàng trung ương châu Á) tăng lãi suất trước nửa đầu năm 2019". Và khi Mỹ quyết định tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ, tất cả tùy thuộc vào lời hồi đáp từ Trung Quốc.
VT