Quốc gia Tây Phi, với những bãi biển thơ mộng ở Đại Tây Dương thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới, là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa trên biển lớn nhất thế giới, mặc dù dân số chỉ 15 triệu người.
Có luật cũng như không
Một nghiên cứu vào năm 2010 đăng trên tạp chí Science đã xếp Senegal đứng thứ 21 trong số các quốc gia về lượng chất thải đổ xuống biển với khối lượng 254.770 tấn, tức là ngay sau Hoa Kỳ - một nền kinh tế lớn hơn nhiều, đông dân gấp mấy lần và đường bờ biển dài hơn.
Ở Senegal, đi đến đâu người ta cũng bắt gặp vỏ hộp, vỏ thùng nhựa vương vãi trên đường mà dê và bò còn lầm tưởng là thức ăn, trong khi mặt biển thì rác nổi lềnh phềnh.
Nhận thức của thế giới hiện nay ngày càng được nâng cao về tác hại của nhựa khi chứng kiến loại rác thải này gây tổn hại cho đời sống sinh vật biển và theo thời gian sẽ phân rã thành vô số hạt vi nhựa thay vì tự phân hủy sinh học.
Theo nhà nghiên cứu Mike Berners Lee, trong số 9 tỷ tấn nhựa đã được sản xuất thì có tới 5,4 tỷ tấn bị chôn lấp hoặc đổ xuống biển, tức là đủ để tạo thành lớp màng bao phủ toàn bộ bề mặt trái đất.
Năm 2015, Senegal từng ban hành một đạo luật cấm lưu hành loại túi ni lông PE vốn được sử dụng rất phổ biến, song quy định này không mang lại tác dụng gì. Các cửa hàng tạp hóa vẫn gói đồ cho khách, thậm chí là cả thực phẩm như phô mai, bơ hay cà phê bằng túi ni lông dẻo.
“Đạo luật đó không được thi hành. Khi đến các thành phố lớn, bạn sẽ thấy khá nhức mắt vì nhìn đâu cũng thấy rác thải nhựa”, Bộ trưởng Môi trường Senegal Abdou Karim Sall trả lời phỏng vấn báo giới. “Chúng tôi sẽ đến các cửa hàng... Chúng tôi có lực lượng an ninh có thể hỗ trợ chúng tôi. Chúng tôi sẽ bắt đầu thực thi đạo luật này một cách triệt để”, ông cho biết thêm.
Ông Sall còn chia sẻ thông tin về việc chính phủ nước này sẽ ban hành một đạo luật mới trong vài tháng nữa để mở rộng phạm vi cấm sử dụng nhựa, tương tự như quy định hiện hành ở Kenya và Rwanda. Các cán bộ ngành môi trường cũng sẽ tổ chức các cuộc hội thảo để tuyên truyền, phổ biến cho người dân về tác hại của nhựa đối với sức khỏe, với hoạt động đánh bắt thủy hải sản và canh tác nông nghiệp.
Người vi phạm có thể ngồi tù!
Thời gian tới, cảnh sát Senegal sẽ ra quân thực thi quy định về việc phạt các chủ cửa hàng lên tới 50.000 franc Senegal (tương đương 85 USD) nếu dùng túi ni lông, một mức phạt rất cao ở một quốc gia mà GDP bình quân đầu người chỉ 1.500 USD (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới). Những doanh nghiệp sản xuất loại túi mỏng hơn có nguy cơ đối mặt với 6 tháng tù giam, hoặc 20 triệu franc Senegal (khoảng 34.000 USD) tiền phạt.
34 quốc gia châu Phi đã cố gắng sử dụng chế tài để hạn chế nhựa kể từ khi Nam Phi cấm túi ni lông vào năm 2003, theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc.
Năm 2017, Kenya đã áp đặt một trong những lệnh cấm khắt khe nhất thế giới đối với túi ni lông. Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt tù 4 năm hoặc 40.000 USD tiền phạt nếu tổ chức bán hoặc thậm chí là sử dụng loại sản phẩm này.
Các chuỗi siêu thị của Pháp như Carrefour hay Auchan hiện vẫn sử dụng túi ni lông ở Senegal, nhưng vì có độ dày lớn hơn ngưỡng quy định nên chưa bị luật pháp sở tại “sờ tới”.
Đại diện của Auchan Senegal cho biết siêu thị có chủ trương ngừng bán túi ni lông và sẽ dùng túi giấy để thay thế. Người phát ngôn của Carrefour cho biết họ thường đưa khách hàng túi vải để đựng đồ, nhưng tạm thời đang hết hàng.
Trong khi chờ đợi các biện pháp vĩ mô, người dân Senegal đang chủ động “tự cứu lấy mình”. Trên bãi biển Virage ở Dakar, ông chủ nhà hàng Babacar Thiaw cảm thấy chán nản khi nhân viên của mình dọn dẹp bãi biển mỗi sáng nhưng chỉ vài tiếng sau là chất thải đã xuất hiện trở lại.
“Bãi biển đẹp thế này mà đến 1 giờ, 2 giờ chiều là trông như bãi rác vì mọi người mang đồ nhựa đến và vứt khắp nơi”, ông Thiaw nói. Ông quyết định nói không với rác thải nhựa khi thay thế ống hút truyền thống bằng ống hút kim loại. Và đến ngày 1/8, chai thủy tinh tái sử dụng sẽ thay thế chai nhựa trong nhà hàng của ông.
Hải Châu