Cho đến nay, Islamabad thường xuyên phải dựa vào các khoản vay từ Trung Quốc (hơn 5 tỷ USD từ các ngân hàng thương mại Trung Quốc trong năm vừa qua) và giảm giá đồng rupee tới 20% so với đồng USD.
Các quan chức Pakistan hiểu rằng sự hỗ trợ từ IMF là yêu cầu cấp thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng dự trữ ngoại hối đang leo thang hiện nay, nhưng cũng sẽ gây ra những hạn chế nhất định về đầu tư công và tạo áp lực cho tân Thủ tướng trong việc thực hiện một số lời hứa khi còn tranh cử.
Gói viện trợ thứ 13
Ông Imran Khan, từng là đội trưởng đội tuyển cricket của Pakistan, đã dành cả kỳ nghỉ cuối tuần để đàm phán với các đồng minh tiềm năng về việc thành lập chính phủ mới sau khi giành được 115 ghế (vẫn thiếu 22 ghế để chiếm đa số).
Theo lời một cố vấn chính phủ Pakistan hiện tại, “Chúng tôi đang ở trong tình thế khó khăn và cần sự giúp đỡ. Chúng tôi không biết phải làm thế nào nếu không có hỗ trợ từ IMF”.
Vị này nói rằng Pakistan có thể cần khoản vay từ 10 đến 12 tỷ USD – gấp đôi số tiền 5,3 tỷ USD từng vay từ chính IMF hồi năm 2013. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là gói cứu trợ IMF thứ 13 của Pakistan.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Khan cam kết sử dụng tiền ngân sách cho các mục tiêu tăng cường dịch vụ y tế công, nâng cấp cải tạo trường học và mở rộng mạng lưới an sinh xã hội. Nhiều chuyên gia cho rằng những lời hứa này sẽ khó được hiện thực hóa trong bối cảnh tình hình kinh tế hiện nay của Pakistan.
Dự trữ ngoại hối của Pakistan đã giảm nhanh chóng trong những tháng gần đây, khi giá dầu tăng cao, kéo chi phí nhập khẩu tăng theo trong khi xuất khẩu tiếp tục trì trệ.
Theo số liệu công bố hôm 20/7, Ngân hàng Nhà nước Pakistan chỉ còn 9 tỷ USD trong quỹ dự trữ – thậm chí không đủ để nhập khẩu trong hai tháng.
Cho đến nay, Islamabad thường xuyên phải dựa vào các khoản vay từ Trung Quốc (hơn 5 tỷ USD từ các ngân hàng thương mại Trung Quốc trong năm vừa qua) và giảm giá đồng rupee tới 20% so với đồng USD.
Vậy mà một số chuyên gia vẫn cho rằng đồng tiền này đang được định giá quá cao và có thể giảm ít nhất 10% nữa.
IMF dự đoán thâm hụt ngân sách của Pakistan trong năm nay có thể đạt 7%, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu 4,1% đề ra. |
Phải chấp nhận thỏa hiệp
Ông Khan vẫn chưa thông tin chi tiết về kế hoạch xử lý khủng hoảng cán cân thanh toán cho dù ông đã từng trả lời phỏng vấn Financial Times ngay trước cuộc bầu cử rằng Bộ trưởng tài chính tạm quyền Asad Umar đang dự thảo chính sách.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tin rằng Pakistan không thể không tìm đến IMF nhờ hỗ trợ một lần nữa và phải chấp nhận hệ quả có thể xảy đến với tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.
Gần như chắc chắn, IMF sẽ đưa ra các yêu cầu đánh đổi, ví dụ Pakistan phải tăng giá điện, cắt giảm trợ cấp nông nghiệp và bán bớt các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.
IMF dự đoán thâm hụt ngân sách của Pakistan trong năm nay có thể đạt 7%, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu 4,1% đề ra. Điều này cũng có nghĩa IMF sẽ yêu cầu Pakistan điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công nếu muốn được tổ chức này cho vay tiền.
Theo tính toán của chuyên gia Charlie Robertson tại Renaissance Capital, tổng sản phẩm quốc nội của Pakistan có thể bị giảm một điểm phần trăm và mang đến thách thức không nhỏ cho một vị lãnh đạo lần đầu tiên làm quen với quyền lực Thủ tướng như ông Khan. Việc phải thất hứa với cử tri, ít nhất là trong ngắn hạn, xem ra là chuyện chẳng thể dừng.
Một lựa chọn khác mà chính phủ mới của Pakistan có thể xem xét là đàm phán với Ả-rập Xê-út để kéo dài thời gian thanh toán tiền mua dầu mỏ, điều mà quốc gia vùng Vịnh đã từng đồng ý hồi năm 1998.
Ông Sakib Sherani, cựu cố vấn Bộ Tài chính Pakistan, ước tính giá trị hàng nhập khẩu liên quan đến năng lượng có thể chiếm tới một phần ba tổng kim ngạch nhập khẩu của quốc gia này trong năm 2018, cho dù suy thoái kinh tế có gây ít nhiều ảnh hưởng đi chăng nữa.
Hải Châu