Động thái trên của người đàn ông giàu nhất thế giới diễn ra vào thời điểm Amazon.com đang phát triển thăng hoa và có sức ảnh hướng ngày càng lớn đến nền kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.
Quỹ Bezos Day One sẽ tập trung vào hai kế hoạch lớn. Đầu tiên là tài trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận và trao thưởng hàng năm cho những tổ chức tham gia hỗ trợ các gia đình trẻ tìm nhà ở và đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cuộc sống. Thứ hai là vận hành một mạng lưới các trường mầm non chất lượng cao theo phương pháp Montessori có ưu đãi học phí.
Chung tay với Bill Gates
Lựa chọn tầm nhìn của quỹ là “trẻ em không phải ngủ ngoài đường”. “Chúng tôi sẽ áp dụng cùng một bộ nguyên tắc đã thúc đẩy Amazon. Quan trọng nhất trong số đó là toàn tâm toàn ý phục vụ khách hàng. Trẻ em sẽ là khách hàng của chúng tôi”, ông Bezos khẳng định.
Tuyên bố về kế hoạch hành động của Quỹ Bezos Day One là một trong những khoản quyên góp lớn nhất dành cho các trường mẫu giáo. Giống như hầu hết các quyết định đầu tư khác của người sáng lập Amazon, đó là cả một quá trình tìm hiểu và cân nhắc kỹ dựa trên dữ liệu và khoa học.
Nghiên cứu cho thấy 90% sự phát triển não bộ của trẻ em diễn ra trước năm 5 tuổi, nhưng hầu hết các khoản từ thiện hiện nay lại nhắm đến giáo dục trẻ lớn tuổi hơn.
Sở hữu khối tài sản cá nhân trị giá 163,8 tỷ USD (theo Bloomberg Billionaires Index), song giám đốc điều hành Amazon trước nay tỏ ra khá kín tiếng trong hoạt động từ thiện.
Điều này tương phản hoàn toàn với các “siêu đại gia” khác như Bill Gates, người đang điều hành quỹ từ thiện lớn nhất thế giới và Warren Buffett, người đã cam kết sẽ giành phần lớn tài sản của mình để làm từ thiện.
Ở tuổi 54, các hoạt động nhân đạo được biết đến rộng rãi của Jeff Bezos mới chỉ dừng lại ở Quỹ Bezos Family, chuyên hỗ trợ giáo dục cho trẻ em, mà chủ yếu là tiền của bố mẹ ông; hay các khoản đóng góp của gia đình Bezos cho Đại học Princeton, Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson tại Seattle...
Năm ngoái, Bezos đã tìm đến cộng đồng Twitter “nhờ tư vấn” về cách sử dụng tài sản của mình một cách tốt nhất để giúp đỡ mọi người “ngay lập tức”.
Thời điểm đó, CEO của Amazon có vẻ hứng thú với những dự án giải quyết các vấn đề cấp thiết, nhưng cũng có tác dụng lan tỏa lâu dài. Cộng đồng mạng rất vui vẻ “hiến kế” cho vị tỷ phủ với nhiều ý tưởng, bình dị có mà kỳ lạ cũng có, ví dụ như hỗ trợ chi phí y tế, trả nợ thay, hay ủng hộ một bảo tàng đồ da ở Chicago.
Jeff Bezos đang tìm cách sử dụng tiền hiệu quả nhất |
Cho đi là thiết thực nhất
Trong khi Jeff Bezos đang tìm cách sử dụng tiền hiệu quả nhất, thì Amazon vẫn đẩy mạnh các hoạt động cộng đồng, trong đó chủ yếu là giải quyết tình trạng bất bình đẳng ở quê nhà Seattle.
Hồi năm 2016, Amazon đã cải tạo một khách sạn trống trên khu đất được quy hoạch xây trụ sở mới của công ty để tổ chức phi lợi nhuận Mary’s Place sử dụng làm nơi tạm trú cho 200 gia đình vô gia cư. Amazon cũng dành ra khoảng 4.400 m2 không gian tại văn phòng mới để hợp tác với Mary’s Place làm nơi ở lâu dài cho người nghèo.
Theo nhận định của ông David Callahan - người sáng lập Inside Philanthropy, chẳng có gì ngạc nhiên khi người giàu nhất thế giới bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc làm từ thiện: “Với số tiền lớn như thế, điều duy nhất bạn có thể làm là cho đi - trừ khi bạn muốn chính phủ lấy mất một nửa bằng chính sách thuế tài sản”.
Gần 200 cá nhân và gia đình giàu có nhất thế giới đã tham gia The Giving Pledge - một sáng kiến của Bill Gates và Warren Buffett với cam kết cho đi ít nhất một nửa tài sản của mình.
Ở nhiều quốc gia khác ngoài biên giới Mỹ, như Trung Quốc và Trung Đông - nơi công tác từ thiện thường diễn ra lặng lẽ và ít người biết tới, giới nhà giàu đã bắt đầu công khai kế hoạch cho, tặng tài sản.
Gần đây nhất, người sáng lập Alibaba Group Holding và cũng là người giàu nhất Trung Quốc - Jack Ma, đã tuyên bố lộ trình nghỉ hưu để tập trung vào công tác xã hội vì được truyền cảm hứng bởi Bill Gates.
Hải Châu