Ô nhiễm không khí tại Bangkok chạm ngưỡng nguy hiểm |
Thông thường, AQI ở mức dưới 50 được xem là an toàn, còn trên 300 được xem là mức nguy hại cho sức khỏe.
Người dân sống tại các khu vực có mức ô nhiễm cao tại Bangkok nên tránh các hoạt động ngoài trời “không cần thiết” và đeo khẩu trang khi ra đường, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan Ocha nói với truyền thông tại tỉnh Chiang Mai ngày 14/1.
Nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á được xếp vào một trong những nơi có mức độ độc hại trong không khí cao nhất thế giới, chủ yếu gây ra bởi hoạt động xây dựng, khí thải từ phương tiện giao thông, các nhà máy và đốt đồng trong canh tác nông nghiệp.
Các cơ quan chính phủ Thái Lan đã thực hiện các biện pháp khẩn cấp như kiểm soát trên các công trường xây dựng, kiểm tra nghiêm ngặt các phương tiện gây ô nhiễm, người phát ngôn của chính phủ - Puttipong Punnakanta cho biết.
“Cơ quan Tạo mưa Hoàng gia và Hàng không Nông nghiệp Thái Lan dự kiến sẽ thử gây mưa nhân tạo tại Bangkok từ ngày 15/1 để phân tán bớt các phân tử gây ô nhiễm, tuy nhiên việc này còn tùy thuộc vào mức gió và độ ẩm”, Tổng cục trưởng Cơ quan Kiểm soát Ô nhiễm Thái Lan - ông Pralong Dumrongthai, cho biết.
Người đứng đầu nhóm hoạt động vì môi trường Greenpeace tại Thái Lan Tara Buakamsri cho rằng các cơ quan chức năng cần có biện pháp tức thời như giảm số lượng ôtô, đóng cửa các trường học gần những khu vực nguy cơ cao. Greenpeace cho biết Bangkok nằm trong số 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, ngang ngửa nhiều thành phố của Trung Quốc.
Vài tuần nay, công nhân đô thị đã phun nước trên các con phố và vào không khí tại Bangkok để giúp giảm bớt khói bụi, trong khi đó các cơ quan chức năng kêu gọi người dân nên ở trong nhà.
Lê Minh