Mới đây, một doanh nghiệp (DN) nội hàng đầu trong lĩnh vực chế biến rau củ quả và có liên kết với những HTX nông nghiệp ở phía Nam là CTCP Lavifood đã ký kết với công ty Manka System Service thuộc Tập đoàn Manka để đưa số lượng lớn các loại trái cây tươi và trái cây đã được chế biến, sấy, nước ép trái cây đóng chai… sang thị trường Nhật Bản.
Thị trường không dễ dãi
Như chia sẻ của ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Lavifood, thị trường Nhật Bản đặt ra chế độ xét duyệt rất nghiêm trái cây tươi cũng như sản phẩm chế biến từ trái cây. Do đó, việc thâm nhập thành công vào thị trường khó tính này đã giúp DN mở thêm cánh cửa xuất khẩu (XK).
Nhật Bản là một trong những thị trường quan trọng ở châu Á, mang lại kim ngạch XK lớn cho Việt Nam, nhưng đây cũng là thị trường kỹ tính với nông sản, thực phẩm.
Nông sản tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vẫn là một thử thách để chinh phục người tiêu dùng châu Á. Vừa qua, Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) cho biết đã nhận được thông báo từ Cục Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Chế biến nông sản Malaysia về việc Cơ quan Kiểm tra và Kiểm dịch nước này phát hiện nhiều lô ớt của Việt Nam XK nhiễm dư lượng thuốc BVTV vượt quá giới hạn cho phép.
Vì lý do này, Malaysia tạm dừng cấp phép nhập khẩu đối với ớt của Việt Nam kể từ giữa tháng 9/2018. Cục BVTV yêu cầu các nhà XK Việt Nam phải tìm hiểu, theo dõi và tuân thủ đúng các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm của Malaysia, tránh gây thiệt hại về kinh tế cũng như uy tín của nông sản Việt Nam.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, tại châu Á, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ đang là ba thị trường XK có mức tăng trưởng cao trên 20% của Việt Nam, lần lượt tăng 26,1%, 29,9% và 88,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, để hàng Việt có thể thâm nhập sâu hơn vào châu Á, theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều việc phải làm khi thị trường không hoàn toàn dễ dãi như các DN Việt hình dung.
Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Quyền Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN), các DN Việt gặp nhiều thách thức khi XK, nhất là các yêu cầu về nhãn mác, bao bì…, hay các vấn đề liên quan đến rào cản kỹ thuật, chỉ tiêu chất lượng tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của các nước.
Tại buổi gặp gỡ với giới DN XK tại Tp.HCM mới đây, ông Aalok Panndit, Giám đốc truyền thông tiếp thị Hiệp hội Bán lẻ Á – Phi, cho biết ngành hàng có tiềm năng mà Việt Nam có thể thâm nhập vào Ấn Độ nói riêng và châu Á nói chung là thực phẩm và nông sản.
Nông sản Việt có thể thâm nhập sâu vào thị trường châu Á nếu đạt chuẩn chất lượng |
Thoát "vết" rẻ tiền
Ông Aalok đưa ra lời khuyên: Các DN Việt nên tập trung sử dụng những tài nguyên bản địa để phát triển sản phẩm. Đặc biệt là nên kết hợp với nhau để tạo nên sức mạnh, phát triển thành từng nhóm để có thành quả tốt hơn. DN phải xây dựng được tiêu chuẩn, tự tin với chuẩn chất lượng, được thị trường châu Á chấp nhận.
Mặt khác, các DN nên ghi thêm trên bao bì của sản phẩm phần tiếng Anh để người nước ngoài có thể biết được, bởi đa phần chỉ thấy ghi có tiếng Việt.
"Về chiến lược thâm nhập thị trường Ấn Độ, các DN Việt nên đi theo hướng online, không nên mở những mặt bằng tại Ấn Độ, như thế sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều về các chi phí. Làm online, DN có thể quảng cáo trên các website, điều này sẽ giúp họ tiếp cận người tiêu dùng châu Á nhiều hơn", ông Aalok Panndit chia sẻ.
Trong khi đó, ông Kenny Lee, Giám đốc điều hành Cỏ May Singapore (thuộc công ty TNHH Cỏ May – một DN thuần Việt chuyên làm nông nghiệp sạch), lưu ý: "Sản phẩm Việt Nam trước giờ có "vết" là rẻ tiền và kém chất lượng. Tôi nghĩ định hướng của Cỏ May hay các DN Việt khác là tập trung vào "những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao", bởi chỉ sản phẩm chất lượng mới có thể tồn tại lâu dài theo thời gian".
Cỏ May đã chọn hướng đi này và đã thành công. Hiện nay, sản phẩm cốt lõi nhất của Cỏ May tại Singapore là gạo, hải sản, thực phẩm, thức ăn cho vật nuôi. Công ty có nhà cung cấp để tái nhập, tái xuất, có các đại lý sỉ, kênh bán lẻ, quán ven đường, siêu thị, chuỗi siêu thị, các cửa hàng truyền thống nhỏ.
Những sản phẩm của DN này có quy cách đóng gói hút chân không, như hình viên gạch. Đây là cách làm độc đáo bởi họ đã nghiên cứu thị trường rất kỹ trước khi tung ra sản phẩm.
Ông Kenny Lee cho biết hiện nay, Singapore chỉ mua một vài sản phẩm, như cà phê, trà, gạo, cá và trái cây từ Việt Nam. Nhưng ông tin rằng Việt Nam có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng phù hợp với thị trường Singapore.
Theo chuyên gia thị trường Nguyễn Kim Thanh, trong việc kết nối với các tổ chức mua hàng nước ngoài ở châu Á, điều đầu tiên họ nhìn vào là website của DN, 50% cơ hội bắt đầu từ việc làm website và "show" ra cho đối tác.
Thế Vinh