Chính sách mới, dự kiến có hiệu lực kể từ ngày 4/7, sẽ làm kéo dài thời gian xuất khẩu thêm vài tháng, ảnh hưởng trực tiếp tới các “gã khổng lồ” công nghệ Hàn Quốc như Samsung Electronics, SK Hynix hay LG Display.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Tokyo cạn dần kiên nhẫn đối với những thái độ mà họ cho là dửng dưng từ phía Seoul, sau khi tòa án Hàn Quốc ra phán quyết hồi tháng 10 năm ngoái yêu cầu Nippon Steel bồi thường cho những lao động từng bị cưỡng bức trong quá khứ.
Một khi đã mất lòng tin
Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc Sung Yun-mo cho hay: “Chúng tôi sẽ có những biện pháp đối phó cần thiết, bao gồm cả việc nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới”. “Chính phủ của chúng tôi rất lấy làm tiếc về việc Nhật Bản siết chặt xuất khẩu các mặt hàng nguyên vật liệu”, ông Sung nói thêm.
Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc thì yêu cầu tổ chức một cuộc họp để thảo luận về kế hoạch phản ứng lại động thái của Nhật Bản, trong khi Bộ Ngoại giao nước này đã triệu đại sứ Nhật Bản đến để đề nghị rút lại quyết định.
Tháng trước, Nhật Bản từng từ chối đề xuất của Hàn Quốc về việc thiết lập một quỹ bồi thường chung cho các nạn nhân với sự đóng góp từ cả hai quốc gia.
“Hàn Quốc vẫn không thể đưa ra bất kỳ biện pháp thỏa đáng nào để giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức... và làm tổn hại nghiêm trọng đến lòng tin giữa hai nước”, một quan chức của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho hay.
“Một khi đã mất lòng tin, chúng tôi không thể đối thoại và không thể bảo đảm rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu phù hợp sẽ được thực thi”, vị này cho biết thêm.
Là láng giềng, nhưng lịch sử quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản có nhiều vị đắng từ thời Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến năm 1945, trong đó có việc các công ty Nhật Bản sử dụng lao động cưỡng bức và nhiều phụ nữ Hàn Quốc bị đưa vào nhà thổ.
Nhật Bản cho rằng vấn đề lao động cưỡng bức đã được giải quyết triệt để vào năm 1965, khi hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao, đồng thời lên án việc tòa án Hàn Quốc ra phán quyết bất hợp lý và yêu cầu thành lập một hội đồng trọng tài.
Các loại nguyên vật liệu mà Nhật Bản sẽ hạn chế xuất khẩu là nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide) thường được sử dụng để sản xuất màn hình điện thoại thông minh, chất cản màu (resist) được sử dụng làm khí ăn mòn và hydro florua (HF) phục vụ sản xuất chất bán dẫn.
Chất cản màu là một lớp mỏng được sử dụng để chuyển một mô hình mạch sang chất nền bán dẫn. HF có độ tinh khiết cao được sử dụng trong khắc vật liệu silicon.
Chính sách mới sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các “gã khổng lồ” công nghệ |
Ba mặt hàng chủ chốt
Nhật Bản sẽ ngừng ưu đãi đối với các lô hàng xuất khẩu ba nguyên liệu này đến Hàn Quốc, buộc các đơn vị xuất khẩu phải xin giấy phép mỗi lần làm thủ tục; quá trình này kéo dài khoảng 90 ngày.
Nhật Bản hiện sản xuất khoảng 90% lượng nhựa nhiệt dẻo và chất cản màu, cũng như khoảng 70% lượng HF trên thế giới. Điều này khiến các nhà sản xuất chip gặp khó khăn trong việc tìm phương án thay thế. Các hãng sản xuất chip sẽ phải tích trữ nguyên vật liệu trong thời gian tới.
Samsung Electronics - hãng sản xuất bộ nhớ hàng đầu thế giới, chưa đưa ra bình luận chính thức nào. LG Display, một nhà cung cấp của Apple, thừa nhận bất kỳ thay đổi nào về điều kiện thương mại với Nhật Bản cũng sẽ tạo ra những tác động nhất định.
Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc thì cho hay nước này đã đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu và tự cung tự cấp phần nào để đối phó với chính sách của Nhật Bản.
Nhật Bản còn có kế hoạch loại Hàn Quốc khỏi danh sách ưu đãi theo pháp luật về kiểm soát thương mại, yêu cầu các nhà xuất khẩu Nhật Bản phải xin giấy phép cho một số mặt hàng có thể được sử dụng liên quan đến vũ khí. Danh sách này hiện có 27 quốc gia, bao gồm Đức, Hàn Quốc, Anh, Mỹ...
Các doanh nghiệp xuất khẩu và chuyên gia Hàn Quốc đã phải lên tiếng đề nghị chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in can thiệp và giải quyết căng thẳng.
Trao đổi với báo giới, ông Lee Soo-chul, thành viên hội đồng Diễn đàn Seoul - Tokyo, một tổ chức bao gồm các nhà ngoại giao và doanh nhân từ cả hai nước, cho rằng: “Vấn đề này không bắt nguồn từ chuyện kinh doanh. Tôi nghĩ chính phủ nên vào cuộc và cố gắng giải quyết trong khi các công ty đang bị ảnh hưởng”.
Hải Châu