Theo thông tin từ ông Etsuro Honda - cố vấn của Thủ tướng Nhật Bản, chính phủ nước này sẽ dành riêng 3.500 tỷ Yên (tương đương 29 tỷ USD) hỗ trợ người cao tuổi có thu nhập thấp, trong đó 10 trong tổng số 40 triệu người đã hết tuổi lao động sẽ nhận được 30.000 Yên mỗi người. Đây là nhóm đối tượng đang có sự gia tăng về số lượng và không được hưởng lợi gì từ chính sách tăng lương cơ bản, vì trợ cấp hàng tháng của họ là cố định, trong khi giá cả không ngừng leo thang.
Hỗ trợ người già, trẻ nhỏ
Bên cạnh đó, để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, chính phủ Nhật Bản cũng có kế hoạch tạo điều kiện giúp người đi làm yên tâm công tác, bằng cách xây dựng thêm trường mầm non cho hơn 500.000 trẻ em trong năm tài chính 2017, cung cấp học bổng cho những người có mong muốn trở thành điều dưỡng viên chuyên nghiệp và tạo cơ hội cho người lao động ngắn hạn được nghỉ chăm sóc con khi cần.
Trả lời câu hỏi của báo giới, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso cho biết Thủ tướng Abe yêu cầu phải có ngay những giải pháp hỗ trợ tạm thời cho người già có hoàn cảnh khó khăn, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Con số cụ thể hay kế hoạch chi tiết vẫn cần phải bàn thêm, nhưng chắc chắn sẽ phải giải quyết tình trạng bất bình đẳng thu nhập.
Khoản ngân sách bổ sung nêu trên được kỳ vọng có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong vòng 3 tháng đầu năm 2016. Kể từ năm 2012 đến nay, năm nào chính phủ Nhật Bản cũng có ngân sách bổ sung để kích thích nền kinh tế.
Dữ liệu mới công bố cuối tuần qua cho thấy chi tiêu sinh hoạt của người dân Nhật Bản trong tháng 10/2015 đã giảm tháng thứ hai liên tiếp và chỉ số lạm phát vẫn loanh quanh mức 0%. Một điểm sáng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới chính là tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 3,1%, mức thấp nhất kể từ năm 1995.
![]() |
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe yêu cầu phải có ngay những giải pháp hỗ trợ cho người già
An dân để trị quốc
Các chuyên gia nhận định, điều kiện thị trường lao động Nhật Bản hiện nay đang khá tốt, nên gia đình nào có người đi làm thì cuộc sống cũng được cải thiện. Chỉ có đối tượng hưu trí là chịu thiệt thòi, khi giá thực phẩm leo thang do đồng Yên mất giá.
Không chỉ lo cho người trong và quá độ tuổi lao động, khoản ngân sách bổ sung của Nhật Bản còn hướng tới quá trình triển khai các hiệp định thương mại khu vực, phòng tránh thiên tai, cũng như chính sách ổn định dân số ở mức 100 triệu người. Phát ngôn viên của chính phủ khẳng định, Nhật Bản sẽ vẫn theo đuổi mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách, ngay cả khi phải chi thêm như vậy.
Ông Shinzo Abe phải tăng cường nguồn lực trên mặt trận kinh tế để khôi phục uy tín bị ảnh hưởng đáng kể bởi quyết định gỡ bỏ nhiều quy định hiến pháp về vấn đề quân sự, ví dụ như triển khai quân đội ở nước ngoài.
Đích ngắm của ông Abe là đến trước năm tài chính 2020 (bắt đầu từ tháng 3), ngân sách Nhật Bản có thặng dư, chưa tính các khoản lãi vay phải trả, mặc dù theo tính toán của Văn phòng Nội các, trong hoàn cảnh thuận lợi nhất thì Nhật Bản cũng khó lòng đạt được.
Trong tuần vừa rồi, ông Abe còn vạch ra hàng loạt biện pháp triển khai kế hoạch “Abenomics 2.0” của mình, nhằm hiện thực hóa nhiều mục tiêu khác nhau, như nền kinh tế đạt 600.000 tỷ Yên trước năm 2020, khuyến khích tỷ lệ sinh nở của mỗi phụ nữ tăng từ 1,4 lên 1,8 con, rút ngắn thời gian khám chữa bệnh hay xây nhà cho các gia đình “tam đại đồng đường”. Cùng với đó, Thủ tướng Nhật Bản hướng tới tăng ít nhất 3% mức lương tối thiểu và cam kết nhanh chóng cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống dưới 30%.
“Trong giai đoạn thứ hai của chính sách Abenomics, tôi muốn tạo ra một chu kỳ tăng trưởng - phân phối (thông qua các chương trình xã hội) bằng cách xây dựng một nền tảng vững chắc dành cho an sinh, vì xã hội có an bình thì kinh tế mới tăng trưởng”, ông Abe tuyên bố.
Hùng Anh